Nguyễn Đăng Sơn
Viện Nghiên cứu đô thị & phát triển hạ tầng
Quy hoạch đô thị và thị trường bất động sản
Quy hoạch đô thị là hoạt động mà tổ chức các không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở… là những không gian tạo ra môi trường sống xung quanh của người dân trong đô thị. Tất cả các chỉ số này đều được thể hiện trên đồ án quy hoạch.
Chúng ta có thể hiểu được đây là hoạt động về việc thực hiện tổ chức các không gian sống của con người trong đô thị. Việc thực hiện việc sắp xếp tổ chức các không gian chức năng cần phù hợp với chức năng, hình thái kiến trúc và cuộc sống của người dân đô thị.
Quy hoạch đô thị là một khái niệm hay được dùng để chỉ các hoạt động kiểm soát hoặc tổ chức môi trường sống đô thị. Các hoạt động này có thể bao gồm: ban hành luật, quy định kiểm soát phát triển; xây dựng và vận hành các bộ máy quản lý đô thị; đề ra các tiêu chí, lập và phê duyệt quy hoạch; thực hiện các chương trình đầu tư phát triển đô thị; nghiên cứu đô thị; đào tạo bộ máy nhân lực; trao đổi tranh luận về các vấn đề đô thị...
Điều cần chú ý là trong các bối cảnh khác nhau, các hoạt động này thường không có mục đích, nội dung hay phương pháp thực hiện giống nhau. Nguyên nhân là đô thị thường có các vấn đề khác nhau trong mỗi giai đoạn phát triển. Việc nhìn nhận, đánh giá, giải quyết các vấn đề đô thị không chỉ phụ thuộc vào năng lực các bộ máy chuyên môn mà còn lệ thuộc nhiều vào chủ trương của bộ máy cầm quyền và khả năng đáp ứng của nền kinh tế. Trong mỗi giai đoạn phát triển, bộ máy cầm quyền thường chỉ chú trọng kiểm soát hay thúc đẩy một số hoạt động quy hoạch đô thị mà họ cho là quan trọng. Trong khi đó, nghiên cứu và đào tạo nhân lực trong các ngành liên quan quy hoạch đô thị thường được coi là lĩnh vực tách biệt với thực tế hành nghề. Kết quả là luôn có nhiều quan điểm về nội dung và cách thức thực hiện quy hoạch đô thị (theo Wikipedia).
Thị trường bất động sản (BĐS) là lĩnh vực rộng lớn liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng, kiến trúc, môi trường, thuế, giao dịch đảm bảo… Bên cạnh đó BĐS là một loại hàng hóa có tính đặc thù kinh doanh, loại hình này sẽ tác động đến hành vi kinh doanh, đầu tư, tái đầu tư, tài chính, tiền tệ, đầu cơ, quỹ dự trữ, dự phòng… BĐS có quan hệ mật thiết tới xây dựng, quản lí nhà nước về đất đai, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Nước ta đang chuyển dần sang nền kinh tế thị trường, nhu cầu kinh doanh BĐS cũng đang phát triển mạnh mẽ và sôi động, đa dạng về hình thức.Thị trường BĐS vừa mang tính khu vực vừa chịu sự chi phối mang tính đa phương của các yếu tố quốc tế. Thị trường BĐS là một bộ phận có vị trí quan trọng trong pháp luật về đất đai nhà ở của Việt Nam.
Thị trường BĐS là nơi diễn ra các mối quan hệ của con người về giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại một khu vực địa lí nhất định, trong một khoảng thời gian cụ thể.
Như vậy, thị trường BĐS là nơi mà các hoạt động kinh doanh liên quan đến bất động sản như: chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, thế chấp quyền sử dụng đất, thừa kế tài sản là bất động sản… được tiến hành.
Thị trường BĐS hình thành và phát triển thúc đẩy việc tiết kiệm đất đai trong sản xuất kinh doanh. Người sử dụng đất ngày càng khai thác đất đai có hiệu quả hơn.
Thị trường BĐS là thước đo trình độ chuyển sang cơ chế thị trường của mỗi một quốc gia. Thị trường BĐS sẽ phản ánh nhu cầu giao dịch đa dạng của thị trường quyền sử dụng đất trong quá trình lưu thông.
Quan hệ giữa quy hoạch đô thị và thị trường bất động sản
Giữa quy hoạch đô thị với thị trường BĐS, giữa chất lượng không gian đô thị với chất lượng dự án BĐS có quan hệ mật thiết, khăng khít.
Ở Việt Nam, trong quá trình lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch, nhà quy hoạch và phát triển đô thị, kể cả người kinh doanh bất động sản dường như đang thiếu sự phối hợp, trao đổi, tham khảo ý kiến lẫn nhau... dẫn đến sự tổn hại chung cho cả hai phía.
Mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và thị trường BĐS phản ánh mối quan hệ giữa chính quyền và khu vực thị trường. Theo xu hướng chung, thị trường tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ, làm cho nền kinh tế vận hành linh hoạt, có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường cũng có những điểm yếu như làm cho sự cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn, môi trường sinh thái bị ô nhiễm...
Vì vậy, không thể để thị trường tự quyết định mà chính quyền phải quan tâm, can thiệp ở mức độ cần thiết nhằm hạn chế các điểm yếu của thị trường bằng các chính sách và biện pháp kinh tế, khi thật cần thiết thì cũng phải dùng đến các công cụ pháp lý và hành chính. Bên cạnh các mặt mạnh, chính quyền cũng có các điểm yếu như tình trạng quan liêu, duy ý chí, làm dụng quyền lực, can thiệp quá sâu vào các hoạt động thị trường khiến động lực phát triển bị hạn chế, thậm chí có thể bị triệt tiêu.
Dự báo về những xu hướng dẫn dắt bất động sản trong năm 2021, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Jones Lang LaSalle (JLL) cho rằng, các xu hướng trong năm nay sẽ duy trì phát triển hoặc biến đổi để phù hợp với nhu cầu hiện tại. Theo các chuyên gia đến từ JLL, có 5 xu hướng dẫn dắt thị trường BĐS trong năm 2021.
Xu hướng thứ nhất là “đô thị trong đô thị” hay “bất động sản tích hợp” thường được dùng cho những dự án quy mô lớn.
Thị trường BĐS đang dần trưởng thành, người mua nhà ngày càng quan tâm hơn đến môi trường sống lành mạnh và bền vững để an cư hơn là một không gian để ở đơn thuần. Vì vậy, các nhà phát triển bắt đầu tìm cách thu hút người mua bằng việc kiến tạo những khu dân cư được quy hoạch tốt với nhiều tiện ích, nhằm giúp cư dân tương lai tránh sự phiền toái bởi quá trình đô thị hóa nhanh và cơ sở hạ tầng công cộng tụt hậu.
Xu hướng thứ 2 được ghi nhận là những thử nghiệm làm việc từ xa tại văn phòng. Sự thay đổi này được tiến hành ở nhiều doanh nghiệp và “tăng tốc” do dịch COVID-19.
Xu hướng thứ 3 là thương mại điện tử thúc đẩy ngành hậu cần và kho bãi, trở thành động lực lớn cho thị trường.
Việt Nam hiện là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Những năm gần đây, chuỗi cung ứng ngày càng tập trung phục vụ người tiêu dùng, tốc độ giao hàng là một trong những yếu tố chính trong quyết định mua hàng. So với các hoạt động hậu cần truyền thống, thương mại điện tử sử dụng nhiều lao động hơn và đòi hỏi nhiều không gian kho bãi hơn gấp ba lần. Đó là một phần yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu của các nhà đầu tư đối với bất động sản công nghiệp trên toàn thế giới.
Xu hướng thứ 4 đáng chú ý là việc doanh nghiệp vẫn giữ hướng đi “xanh” và bền vững, chính là xu hướng dẫn dắt thị trường bất động sản 2021.
Theo phân tích, khi quỹ tài chính trở nên eo hẹp, các sáng kiến bảo vệ môi trường là một trong những phần đầu tiên bị gạch bỏ trong kế hoạch phát triển của nhiều công ty. Nhưng bất chấp những thời điểm khó khăn phía trước, các công ty và nhà đầu tư được kỳ vọng vẫn sẽ đưa ra những lựa chọn “xanh” vì một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn ở phía trước.
Xu hướng thứ 5 được nhận diện chính là việc nhà đầu tư đang hướng về ngành y tế và chăm sóc sức khỏe.
Vào năm 2021, sự quan tâm nhà đầu tư gia tăng đối với các lĩnh vực quan trọng trong cuộc khủng hoảng y tế. Các nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế đã nhắm đến mảng hậu cần sức khỏe và y tế và họ đang cần nhiều kho lạnh có vị trí gần khách hàng hơn để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cho các loại sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ như vaccine, mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm...
Để thị trường BĐS phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung-cầu, Bộ Xây dựng cho biết, trong năm 2021, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS; chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm BĐS đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: Nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Đồng thời, thường xuyên bám sát tình hình thị trường, kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, đặc biệt là tác động của dịch COVID-19 để bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.
Thị trường BĐS 2021 dự đoán có nhiều “điểm sáng” nhờ Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Nghị định số 25 được ban hành tháng 2/2020 quy định giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường; Nghị định số 41 gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền; Thông tư 21 của Bộ Xây dựng quy định diện tích tối thiểu căn hộ chung cư không nhỏ hơn 25m2 bắt đầu có hiệu lực; Nghị quyết 164 tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản. Đặc biệt, khi nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ 8/2/2021 với nội dung quan trọng về việc giải cứu hàng nghìn dự án có đất xen kẹt được kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, "thổi làn gió mới" vào thị trường bất động sản.
Quy hoạch đô thị TP.HCM và thị trường bất động sản
Hiện nay, quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tổng thể. Thành phố đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy hoạch điểu chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình đó, TP.HCM cũng chủ động điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch một số dự án phát triển đô thị trọng điểm, khu vực trung tâm để tăng tính khả thi thị trường BĐS, khai thác tối đa nguồn lực phát triển kinh tế.
Tại khu vực trung tâm, vừa qua Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố đã kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về phương án lập quy hoạch, quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị áp dụng cho thành phố, trước mắt đối với 2 khu vực trọng điểm gồm Khu trung tâm hiện hữu (930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (657ha) trong hồ sơ thuyết minh bản vẽ, định mức chi phí, dự toán thực hiện, lập và thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Theo đại diện Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố, thời gian qua tỷ lệ đô thị hóa của TP.HCM ngày càng tăng, diện tích đất xây dựng đô thị ngày càng lớn dẫn tới quỹ đất phát triển ngày càng hạn chế.
Mặt khác, thành phố đang xây dựng và phát triển các tuyến giao thông cộng cộng có khối lượng lớn cùng khu vực các nhà ga tuyến metro nên đòi hỏi kết nối không gian ngầm.
Việc phát triển không gian ngầm sẽ tạo ra nguồn lực không gian dưới mặt đất để khai thác, phục vụ người dân và phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo ra không gian bố trí các chức năng hạ tầng kỹ thuật dưới mặt đất, để dành quỹ đất phía trên làm nguồn lực phát triển.
Đến nay, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố đã hoàn tất hai báo cáo sơ bộ về phát triển không gian ngầm và dự thảo nhiệm vu đầu bài lập quy hoạch không gian ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự kiến quý 4 năm 2021, thành phố sẽ xem xét, phê duyệt đồ án quy hoạch không gian ngầm.
Trong khi đó, theo Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện nay Ban quản lý đã trình UBND thành phố duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với 3 lô đất trường học thuộc Khu chức năng số 3, số 4 và 3 khu đất phục vụ tái định cư cho các hộ dân thuộc 4,39ha phường Bình An, quận 2.
Ban Quản lý cũng đang tổ chức lập nhiệm vụ, dự toán của công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu chức năng số 2a liên quan đến việc bảo tồn công trình khu đất Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm; phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 3 lô đất (ký hiệu 7-5, 7-9, G9) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 2 lô đất (III-HH8, III-CC1) thuộc Khu đô thị chỉnh trang 296,4ha, quận 2.
Tương tự, một số dự án trọng điểm khác trên địa bàn TP.HCM cũng đã và đang lập, điều chỉnh quy hoạch.
Cụ thể là dự án Khu Công nghệ cao (quận 9, Thanh tra Chính phủ đã kết luận về sai phạm trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng), UBND thành phố đã chấp thuận việc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu sử dụng đất đối với 7 dự án tái định cư từ “phục vụ khu công nghệ cao” thành “phục vụ tái định cư dự án Khu Công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích sử dụng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách.”
Cụ thể là 7 dự án tái định cư gồm khu Long Sơn, Man Thiện, Cây Dầu 1, Cây Dầu 2, Cầu Xây, Long Bửu-giai đoạn 1 và Long Bửu-giai đoạn 2.
Về tiến độ lập quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), UBND TP.HCM vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kêu gọi đầu tư tại Khu đô thị trên cơ sở phù hợp với mục tiêu chung của Khu đô thị, thông qua tiêu chuẩn của từng ngành dịch vụ, từng lĩnh vực đầu tư do các nhà đầu tư gợi ý đề xuất.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các sở ngành có liên quan, hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức hội nghị giới thiệu các định hướng quy hoạch và kêu gọi đầu tư.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao Sở Quy hoạch-Kiến trúc tham mưu về các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng chính cho từng trung tâm đổi mới sáng tạo trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông như Khu trung tâm tài chính, Trung tâm thể thao Rạch Chiếc, Trung tâm sản xuất tự động hoá, Khu công viên khoa học…
Đối với việc quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, hiện nay thành phố đang lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/5000, tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị cảng Hiệp Phước, phê duyệt pháp lý về quy hoạch Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa cũng như tổ chức lập thiết kế đô thị dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh tại Khu đô thị Nam thành phố.
Liên quan đến công tác quy hoạch, vừa qua UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 4254/QĐ-UBND điều chỉnh ranh lộ giới đường Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 từ lộ giới 25m lên 34-39m. Việc điều chỉnh lộ giới tuyến đường có vị trí đắc địa bậc nhất quận 1 này dẫn tới quy hoạch ô phố R8 thuộc Phân khu 2 - Khu trung tâm hiện hữu giảm chức năng đất phức hợp từ 10.581m2 xuống còn 8.725m2.
Trong khi đó tại quận 7, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3251/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Him Lam, lô Y. Theo đó, chức năng sử dụng đất được thay đổi từ chức năng “văn phòng kết hợp thương mại, dịch vụ” thành “văn phòng kết hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ để ở và khách sạn nhà hàng” đồng thời tăng chiều cao từ 18 lên 24 tầng (theo TTXVN).