Bàn về mô hình phát triển không gian vùng ven TP.HCM
TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, ThS. Cao Nhật Nam, Trường Đại học Việt Đức
TÓM TẮT
Vùng ven TP.HCM đã mở rộng nhanh chóng thành một không gian định cư đô thị và nông thôn đan xen phức tạp. Khu vực này sẽ tiếp tục đô thị hóa và phân hóa về nhiều mặt ở quy mô lớn hơn trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định. Bài viết tổng hợp một số luận giải về mô hình tổ chức không gian tại vùng ven các đô thị lớn, phân tích đặc điểm cấu trúc và động lực phát triển tại TP.HCM, và gợi ý mô hình phát triển không gian và hạ tầng cho khu vực có sự đan xen giữa hai hệ sinh thái định cư hướng tới sự phát triển bền vững.
Từ khóa: đô thị hóa vùng ven, quy hoạch liên không gian, đô thị - nông thôn chuyển hóa, đô thị tiên phong, đô thị ngủ, mô hình nông thị, vùng tiếp cận theo thời gian
Discussion on the spatial growth model in the peri-urban area of Ho Chi Minh City
ABSTRACT
The periphery of Ho Chi Minh City has expanded rapidly into a complex intertwined urban and rural settlement space. The region will continue to urbanize and diverge in many aspects on a larger scale amid many uncertainties. The article summarizes some explanations on the spatial organization model in the periphery of large urban areas, analyzes the structural characteristics and development dynamics in Ho Chi Minh City, and suggests spatial and infrastructure development models for areas with intertwining between the two settlement ecosystems towards sustainable development.
Keywords: peri-urbanization, transect planning, urban-rural continuum, edge cities, bedroom community, desa-kota, time-based urban region.
1 Bối cảnh
Ba thập kỷ qua, vùng ven TP.HCM đã thay đổi sâu sắc với ba làn sóng phát triển. Làn sóng thứ nhất (1990-2000) với đặc trưng CẢI THIỆN & MỞ RỘNG CHẬM bao gồm chuyển đổi (tự phát) nhiều khu vực nông thôn ven đô và phát triển một số khu đô thị mới bên ngoài ranh giới nội thành; tuy nhiên hạ tầng kết nối thiếu đồng bộ và quy mô các dự án còn nhỏ. Làn sóng thứ hai (2000-2010) với đặc trưng MỞ RỘNG NHANH – BONG BÓNG cùng với mở rộng ranh giới nội thị để hấp thụ số lượng lớn các dự án phát triển hạ tầng và chuyển đổi đất nông nghiệp quy mô lớn; tuy nhiên đã để lại nhiều dự án quy mô lớn triển khai chậm và bỏ trống dạng da beo. Làn sóng thứ ba (2010-2020) vừa ĐIỀU CHỈNH - MỞ RỘNG giúp tiếp tục phát triển một số dự án mới bên cạnh củng cố sự gắn kết các khu công nghiệp và đô thị đã có; tuy nhiên nhiều dự án hạ tầng, công nghiệp, và đô thị vẫn ách tắc do nhiều nguyên nhân.
Trong vài thập kỷ tới, không gian vùng ven sẽ tiếp tục chuyển đổi với nhiều động lực mới cần tính đến. Các dự án phát triển chiến lược cấp vùng và chính sách mới thông qua (Nghị quyết 24-NQ-TW/2022 về phát triển kinh tế xã hội vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM) giúp thu hút đầu tư hạ tầng vùng và đẩy nhanh việc cấu trúc lại các chuỗi đô thị công nghiệp và dịch vụ trên phạm vi mới. Không gian phát triển mở rộng nhanh sẽ tác động tới cả doanh nghiệp và người dân trong lựa chọn phương thức đi lại và nơi ở, trong bố trí chuỗi sản xuất và hậu cần ở cấp độ mới. Sự lan tỏa các dự án bất động sản (kể cả các nhóm có tính đầu cơ cao như đất nền ngoại thành) tiếp tục làm không gian phân hóa sâu sắc hơn khi người thu nhập thấp không còn nhiều lựa chọn về nơi ở dù bất tiện và rủi ro ngập lụt. Tính bất định của biến đổi khí hậu, cơ hội mới gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi cấu trúc kinh tế vùng ven sang các nhóm dịch vụ giá trị gia tăng cao hơn cũng là những yếu tố cần tính đến trong cách thức phát triển đô thị ở khu vực này.
Việc đầu tư phát triển các huyện vùng ven đứng trước một số lựa chọn chiến lược. Cho đến năm 2023, vùng ven vẫn còn những quỹ đất và không gian lớn để định hình sự phát triển lâu dài. Việc làm rõ mô hình chuyển đổi (thành quận hay thành phố) gồm cả quy mô, tính chất, cho tới lộ trình sẽ giúp làm rõ cách thức khai thác không chỉ quỹ đất trên mà còn bảo vệ các tài nguyên và nâng cao giá trị hệ sinh thái kinh tế xã hội và văn hóa ở vùng ven. Một số vấn đề cơ bản cần làm rõ là cách thức giải quyết xung đột trong quá trình đô thị hóa hướng tới sự cân bằng trong giao thoa giữa hệ sinh thái tự nhiên và xã hội đô thị ở vùng ven. Các vấn đề như mức độ phát triển và phạm vi phát triển cũng cần có định hướng để ứng xử với các khu vực phát triển đan xen, khu vực bảo vệ, hay khu vực khuyến khích phát triển. Việc định hướng thực hiện cần làm rõ cơ hội và thách thức tại các không gian có tiềm năng bứt phá, giúp không chỉ lấy lại đà tăng trưởng cho thành phố trong giai đoạn trước mắt mà còn bảo vệ các nền tảng phát triển cho vùng về lâu dài.
Chúng ta cùng điểm lại một số cơ sở lý luận và kinh nghiệm tổ chức không gian vùng ven hiện nay.
2 Tổng quan các mô hình phát triển không gian vùng ven
Đa số các đô thị lớn trên thế giới phát triển theo mô hình đô thị hóa ngoại vi (suburbanisation) với xu hướng phát triển dàn trải kém hiệu quả. Mô hình này dựa vào động lực công nghiệp hóa và đô thị hóa tại khu vực vùng ven cùng những đột phá chi phí đi lại nhờ phương tiện giao thông tốt hơn và hạ tầng giao thông được đầu tư tập trung. Vùng ven phát triển nhanh hơn nội đô nhờ công nghệ xây dựng mới và phong cách sống của tầng lớp trung lưu có khả năng chi trả cao hơn. Tuy nhiên, mô hình này thường dẫn tới tình trạng phát triển dàn trải, suy giảm hiệu quả tăng trưởng và phân hóa sâu sắc hơn về xã hội. Mô hình đô thị hóa ngoại vi dựa vào phương tiện cá nhân thường có xu hướng phát triển dàn trải về không gian (sprawling). Tình trạng dàn trải cộng hưởng với các hành vi đầu cơ găm giữ đất đai làm vùng ven phân hóa sâu sắc hơn về tổ chức xã hội. Đây được cho là nguyên nhân hình thành những khu vực làng đô thị hóa dạng ‘ổ chuột’ (slums) nơi thừa nhu cầu nhưng thiếu khả năng chi trả và đối lập với các khu đô thị ‘ma’ (ghost cities) nơi thừa tiền đầu cơ nhưng thiếu nhu cầu sử dụng [1].
Mục tiêu cơ bản của các nỗ lực quản lý phát triển vùng ven là tăng trưởng thông minh, chống lại sự dàn trải. Mô hình này dựa vào việc gia tăng hiệu quả kết nối không gian vùng ven theo cụm không gian. Không gian phát triển nén (compact) nhỏ gọn hơn giúp khai thác tài nguyên vùng ở quy mô lớn hơn nhưng vẫn bảo vệ được tài nguyên nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên (Hình 1).
Hình 1: Hai mô hình phát triển vùng ven tiêu biểu
Nguồn: Tác giả vẽ lại và tham khảo từ UN & GLTN 2021
Quy mô của vùng ven ngày càng mở rộng và được xác định bằng lưu vực sống nơi có hệ sinh thái dịch vụ kết nối chặt chẽ. Nghiên cứu của FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc) đề xuất cách xác định phạm vi của vùng ven thông qua khái niệm ‘lưu vực sống’ nơi cư dân chia sẻ chung một hệ sinh thái dịch vụ và việc làm. Sự gắn kết này dựa vào khả năng tiếp cận đến các dịch vụ thiết yếu trong khoảng thời gian nhất định nhưng thông thường là trong khoảng từ 1 đến 2 giờ. Con số 1 đến 2 giờ thường phản ánh giới hạn về thời gian người dân bình thường dành cho đi làm (commuting) ở đa số các nước công nghiệp. Giới hạn này cũng tương ứng với bán kính phục vụ các doanh nghiệp logistics thường sử dụng để tổ chức chuỗi cung ứng cho thành phố và các khu công nghiệp. Tại các vùng có sức hút tăng trưởng lớn, chất lượng của hạ tầng kết nối nhanh là vấn đề sống còn đối với thách thức mở rộng quy mô (Hình 2).
Hình 2: Bản đồ lưu vực sống đô thị-nông thôn
vùng TP.HCM
Nguồn:Tác giả vẽ lại từ [2]
Xét về lịch sử, các vùng ven đa phần đều mở rộng theo hình dạng lan tỏa đơn tâm rồi chuyển thành chùm các đô thị đa tâm theo mô hình ‘hữu cơ - organic’. Các chu kỳ mở rộng ban đầu thường có dạng làn sóng đơn tâm; song việc lặp lại mô hình này ở các giai đoạn sau thường không đầy đủ. Các khu vực vùng ven xa hấp thụ hoặc ‘chối bỏ’ các nhu cầu mới khác nhau do nhiều yếu tố như tính đa dạng của điều kiện tự nhiên và hạ tầng kết nối, sự khác biệt về hệ sinh thái doanh nghiệp và văn hóa, và tính chu kỳ (kinh tế hay nhiệm kỳ chính trị) cũng đóng góp vào sự đa dạng khi vùng ven mở rộng. Nhìn chung, mô hình đa tâm ‘hữu cơ’ giúp khai thác tốt hơn các đặc trưng tự nhiên và xã hội của địa phương ở cấp độ vùng (Hình 3 - So sánh giữa hai mô hình đơn tâm và đa tâm hữu cơ).
Hình 3: Cấu trúc vùng ven đô thị theo mô hình đơn tâm và đa tâm hữu cơ
Nguồn: Tác giả, có tham khảo từ dự án PLUREL [3]
Sự giao thoa và chuyển hóa tự nhiên liên tục giữa hai hệ sinh thái đô thị và nông thôn là cơ sở để hình thành cách tổ chức không gian hiện đại. Các học giả theo chủ nghĩa ‘đô thị mới – new urbanism’ đề xuất mô hình 6 lớp không gian chuyển hóa để kiểm soát phát triển cho vùng ven. Mỗi lớp không gian chuyển tiếp sẽ có các mục tiêu cần ưu tiên thể hiện qua các chỉ tiêu và công cụ quy hoạch và thiết kế đô thị (Hình 4). Trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ quy hoạch tổng thể (master), cấu trúc (structure), phân khu (zoning), hay tích hợp (integrated), phương pháp để quy hoạch cho vùng ven là tiếp cận chuyển hóa (urban – rural continuum) sử dụng công cụ quy hoạch cắt lớp liên vùng (transect planning ) nhằm tích hợp các yếu tố của từng hệ sinh thái vào phương án quy hoạch [4-14]. Các vùng ven ngoài và vùng nông thôn sẽ ưu tiên bảo tồn các yếu tố cảnh quan và chức năng sinh thái. Việc bảo vệ hạ tầng xanh sẽ thực thi thông qua các giải pháp về tổ chức không gian (form based codes), ưu tiên các giải pháp thuận thiên (nature based) để bảo vệ tài nguyên nông nghiệp và du lịch [15, 16].
T1 naTural zone T2 rural zone T3 SuB-urBan zone T4 GeneralurBan zone T5 urBan CenTer zone T6 urBan Core zone SD SPeCIal
DISTrICT
Hình 4: Mô hình chuyển hóa liên tục đô thị - nông thôn theo 6 lớp không gian ở Hoa Kỳ
Nguồn: [17]
Khu vực đan xen ‘T3’ là vùng ‘desakota’ (nông thị) đặc trưng cho các nước đang phát triển. Mô hình này được biết đến từ Indonesia bởi học giả Terry McGee (1991), nhưng sau đó được thừa nhận là đặc trưng phát triển ở nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn độ, Thái Lan, và Trung Quốc [18-20]. Desa-kota được hình thành từ sự lan tỏa từ các trục tăng trưởng đô thị hóa nhanh, hình thành các khu vực định cư vùng ven có mật độ cao nhưng không có các trung tâm đô thị (Hình 5). Nhờ hệ thống giao thông và công nghệ thông tin được cải thiện, phần lớn dân số đã chuyển đổi việc làm sang phi nông nghiệp, có sự gắn bó với kinh tế đô thị dù là ở mô hình kinh tế hộ hay kinh tế phi chính thức [21]. Các khu vực này cũng cung cấp nơi cư trú (thường có giá rẻ) cho lao động nhập cư. Mô hình này có tương đồng về chức năng của vành đai đô thị ngủ (bed community) ở các nước phương Tây sau thế chiến thứ II, nhưng tương phản về mặt xã hội vì ‘bed community’ là dòng di dân của nhóm có thu nhập cao từ nội thành ra bên ngoài.
Hình 5: Phân bố không gian Desakota ở vùng ven các nước châu Á
Nguồn: Tác giả vẽ lại từ [18]
Trong khu vực vùng ven, chỉ có một số khu vực trở thành trung tâm ‘mới’ với sự hội tụ của nhiều yếu tố. Việc hình thành các trung tâm thứ cấp tại vùng ven có thể dựa vào quán tính phát triển; tuy nhiên, đa số các trung tâm vùng nông nghiệp cũ không có đủ chiều sâu hệ sinh thái dịch vụ để nâng tầm. Động lực để trung tâm thứ cấp có thể phát triển là kết quả của quá trình tương tác giữa các lực hút và lực đẩy giữa bên trong và bên ngoài trong lựa chọn vị trí phát triển các không gian tạo việc làm hay nơi ở mới [22]. Nguồn lực sẽ tụ về nơi có thể giảm chi phí đất đai và di chuyển cũng như tận dụng lợi thế do mật độ dân cư và lao động rẻ. Tuy nhiên, nếu trung tâm này gần các đô thị lớn, chúng phải cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, khó giữ được vùng ảnh hưởng thể hiện trên quy mô khách hàng để tiếp tục mở rộng. Khả năng ‘thăng hạng về quy mô và trình độ’ của các trung tâm mới phụ thuộc vào cả cấu trúc không gian (vị trí và cấu trúc của vùng) cũng như các động lực để biến các cơ hội thành thực tế (Hình 6).
Hình 6: Các động lực phát triển vùng ven đô
Nguồn: Tác giả vẽ lại từ [22]
Cơ hội để hình thành trung tâm thứ cấp ở vùng ven có thể quy về ba nhóm lớn. Ba nhóm này bao gồm (1) mô hình các trung tâm tài chính – dịch vụ gắn với mô hình kinh tế mới (edge cities); (2) mô hình đô thị công nghiệp dịch vụ tổng hợp gắn với sự phát triển của các khu công nghiệp – logistics quy mô lớn; và (3) mô hình phát triển khác như xây dựng thành phố mới có thể bao gồm các trung tâm hành chính mới phục vụ chính sách ‘dời đô’ hay các đô thị đại học, đô thị chức năng của vùng. Động lực phát triển của mỗi nhóm phụ thuộc vào cấu trúc kinh tế của vùng và bối cảnh phát triển cụ thể.
Đô thị tiên phong (hay còn gọi là đô thị rìa - edge city), là thuật ngữ chỉ mô hình đô thị mới xuất hiện vào nửa sau của thế kỷ XX ở vùng ven các đô thị lớn tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao ở các nước phát triển. Học giả Garreau (1991) mô tả sự trỗi dậy của những khu vực ngoại ô mới (New Frontier), nằm ở rìa của các vùng đô thị lớn ở Hoa Kỳ thu hút các hoạt động kinh tế và thương mại quan trọng để trở thành tâm điểm dịch chuyển cấu trúc kinh tế mới của một vùng hoặc một khu vực ngoại ô [23-25]. Những không gian văn phòng và dịch vụ tiện ích tại các đô thị này có lợi thế tiếp cận các cộng đồng dân cư (giàu có trí thức cao) ở ngoại ô với nguồn lực về không gian mở rộng và chi phí thấp hơn [26-30].
Đô thị công nghiệp ở vùng ven thường dừng lại ở khu vực có chức năng trung chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng cho đô thị lõi. Việc di dời các cụm công nghiệp và chuỗi cung ứng có năng suất trung bình và cao ra bên ngoài là quy luật chung ở các vùng đô thị lớn có phần lõi dịch chuyển sang dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình di dời công nghiệp ra ngoại vi ít khi tập trung để thành các trung tâm đô thị công nghiệp dịch vụ hoàn chỉnh [31]. Thay vào đó, sự phân tán và manh mún của các cơ hội tiếp cận đến đất đai, hạ tầng, và chính sách phát triển từng thời kỳ dẫn đến chỉ hình thành các cụm nhà kho, công nghiệp phụ trợ, nhà ở, và khu chức năng hạ tầng ven đô đan xen quy mô nhỏ. Đa số các vùng ven ở các quốc gia đang phát triển sẽ hình thành khu công nghiệp và dịch vụ loại này dù có thể tạo được một số các trung tâm công cộng quy mô lớn dựa vào mô hình trung tâm thương mại ở ngoại ô out of town mall. Để các khu vực này vươn lên về chất lượng thành các trung tâm dịch vụ đồng bộ cần hội tụ nhiều yếu tố, không chỉ là vị trí thuận lợi mà còn phải có quy hoạch dài hạn cùng quyết tâm chính trị cao. Các khu vực công nghiệp thành công cần có cả tính cạnh tranh về chuỗi cung ứng (kết nối hiệu quả tới các dự án logistics vùng như cảng sông/biển, sân bay) và hệ sinh thái dịch vụ đa dạng bao gồm cả các dịch vụ đô thị [32, 33].
Một số mô hình đô thị mới phát triển ở vùng ven gắn với giai đoạn phát triển hậu công nghiệp. Thế kỷ XXI đánh dấu sự hình thành của các thành phố thông minh (Smart Cities) và các khu đô thị thông minh (Innovative Districts) – ở vùng ven các vùng đô thị lớn hoặc tái sinh trong lòng các đô thị công nghiệp cũ nhờ khả năng thu hút đầu tư vào công nghệ và các ngành dịch vụ sáng tạo [34]. Các thành phố thông minh được lồng ghép cùng xu hướng xây dựng mới các đô thị hành chính hoặc thủ đô mới (Putra Jaya ở Malaysia). Ngoài ra, khu vực vùng ven còn là nơi sản sinh các mô hình đô thị giải trí và văn hóa thể thao theo chuyên đề [35], đô thị sân bay [33], đô thị cảng [32], hay các đô thị chức năng khác ở nhiều quy mô khác nhau tại vùng [36].
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy cần quản lý phát triển vùng ven theo tiếp cận chuyển hóa hệ sinh thái theo hướng cân bằng về lợi ích. Vùng ven cần tránh sự phát triển dàn trải, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng thông minh giúp bảo vệ được tài nguyên nông nghiệp, chức năng hạ tầng xanh, và hệ sinh thái tự nhiên. Sự cân bằng được tạo ra nhờ khả năng gia tăng được lợi ích cho các bên trong tiếp cận không gian chuyển hóa liên tục. Việc lựa chọn các khu vực để hình thành các trung tâm thứ cấp của vùng cần sự hội tụ của nhiều yếu tố, đặc biệt là kết nối nhanh gắn với quy mô của vùng ảnh hưởng nơi có hệ sinh thái kinh tế dân sinh và kinh doanh phù hợp. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt trong nghiên cứu áp dụng cho việc định hướng phát triển đô thị vùng ven TP.HCM.
3 Một số đặc điểm không gian phát triển ở vùng ven TP.HCM
TP.HCM vẫn đang tiếp tục mở rộng vùng ven theo kiểu lan tỏa dàn trải có mật độ thấp [37]. Các vấn đề tồn tại ở vùng ven như ùn tắc, ngập lụt, thiếu tiện ích và đồng bộ trong đầu tư phát triển chậm được giải quyết trong khi thách thức mới sẽ càng tăng khi quy mô không gian dự kiến phát triển đô thị tăng gấp 10 lần nội thành cũ trước năm 1990 (khoảng 100km2). Việc thiếu không gian công cộng, cây xanh và các dịch vụ xã hội dự kiến sẽ gia tăng cùng áp lực về dân số, mức độ bê tông hóa và chuyển đổi đi lại sang xe hơi cá nhân.
Không gian phát triển ở các huyện ngoại thành có những đặc điểm riêng về cấu trúc hệ sinh thái kinh tế và xã hội theo hướng phát triển. Quá trình dịch chuyển các ngành sản xuất diễn ra trong 2 thập kỷ vừa qua ra ngoại vi vùng TP.HCM đã hình thành một vành đai công nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp FDI có thế mạnh về gia công và chế biến với hàm lượng công nghệ trung bình. Các hướng phát triển qua các huyện còn lại Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, và Nhà Bè bị vây bọc bởi các khu công nghiệp và đô thị phát triển dọc theo ranh giới tỉnh Tây Ninh, Long An, và Tiền Giang. Không gian phát triển bên trong TP.HCM vẫn còn, nhưng sự kết nối với hệ sinh thái các doanh nghiệp ở phạm vi gần (bán kính 20km) cho thấy khu vực này ít có lợi thế kết nối với hệ sinh thái khoa học công nghệ và dịch vụ ở hướng Đông (thành phố Thủ Đức).
Hình 7: Phân bố khu CN và dịch chuyển không gian kinh tế ở vùng TP.HCM 2011-2016
Nguồn: [38, 39]
Đa phần các huyện phía Tây và Nam có quỹ đất chưa phát triển không thuận lợi cho phát triển đô thị và công nghiệp. Quỹ đất thuận lợi cho xây dựng tập trung ở phía Bắc và một phần phía Tây Bắc, ngược lại, phía Nam chỉ còn quỹ đất ít thuận lợi và rất nhiều quỹ đất không thuận lợi cho xây dựng (trũng thấp dưới 2m và tốc độ sụt lún hàng năm cao – trên 1mm). Quỹ đất lớn là cơ hội, nhưng đa số chịu rủi ro về ngập lụt và sụt lún là thách thức lớn cần được giải cùng với chiến lược phát triển và bảo vệ hạ tầng xanh (Hình 8).
Vùng ven có sự phân hóa về khả năng tiếp cận tới hệ sinh thái dịch vụ việc làm ở khu vực đô thị trung tâm. Sự phân hóa về mật độ dân cư và xây dựng phản ánh sự khác biệt trong khả năng tiếp cận tới trung tâm (việc làm và dịch vụ chất lượng cao). Hai huyện Củ Chi và Cần Giờ không có khả năng tiếp cận trung tâm trong vòng 60 phút (90 phút giờ cao điểm). Trong khi đó cư dân ở ba huyện còn lại (Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè) có thể tiếp cận bằng xe máy tới trung tâm trong phạm vi 40 phút (hoặc 60 phút giờ cao điểm). Ba huyện này đủ điều kiện trở thành các ‘khu đô thị ngủ’ cũng như dễ dàng đón nhận dòng dịch chuyển chuỗi hậu cần và các ngành dịch vụ dân sinh và doanh nghiệp quy mô nhỏ cần cả mặt bằng và chi phí thời gian tiếp cận phù hợp để trở thành đô thị công nghiệp vùng ven có chức năng hỗn hợp (Hình 9).
Hình 9: Phân vùng khả năng tiếp cận tới các trung tâm công cộng theo thời gian (phương tiện xe máy)
Nguồn: Nhóm nghiên cứu đề án phát triển hạ tầng đô thị vùng ven TP HCM
Quy mô và đặc điểm phân bố dân cư tại 5 huyện cho thấy động lực phát triển nằm ở bên ngoài khu vực đô thị hiện hữu. Với thực tế quy mô dân số tại 5 thị trấn ngoại thành là nhỏ so với quy mô dân số huyện (dưới 5 vạn dân), cộng với các khu vực trên có ít dịch vụ và việc làm, động lực để các thị trấn trên tăng trưởng là không lớn. Nhận định này rút ra từ sự phân hóa rõ rệt về khả năng thu hút dân cư tương ứng với điểm gãy trong mật độ dịch vụ biểu hiện qua thước đo trung gian là cường độ ánh sáng ban đêm (Hình 10). Động lực phát triển vẫn chủ yếu lan tỏa từ chiều sâu của hệ sinh thái dịch vụ ở lõi đô thị trung tâm.
Hình 10: Nhận diện không gian dịch vụ của vùng ven sử dụng mô hình ánh sáng ban đêm
Nguồn: Nhóm nghiên cứu đề án phát triển hạ tầng đô thị vùng ven TP.HCM
4 Nhận diện mô hình phát triển đô thị vùng ven TP.HCM
Sử dụng cách tiếp cận chuyển hóa hệ sinh thái, tác giả đề xuất phân nhóm không gian vùng ven TP.HCM thành 6 loại bao gồm: (1) nông thôn bảo tồn, (2) nông thôn mới, (3) nông thị, (4) đô thị ngủ, (5) đô thị vùng ven, và (6) đô thị tiên phong . Việc xếp loại khu vực và đánh giá tiềm năng phát triển của các nhóm dựa vào phân tích tổng hợp các số liệu báo cáo hiện trạng phát triển từng huyện, phân tích khả năng tiếp cận theo thời gian sử dụng mô hình do cơ quan ORS cung cấp và xác thực dựa vào phỏng vấn nhóm chuyên gia và hội thảo. Kết quả đánh giá một số khu vực tiềm năng tiêu biểu có thể chuyển hóa từ các nhóm 1-2-3 (nông thôn) lên nhóm 4-5-6 (đô thị) được trình bày ở sơ đồ phía dưới. Mỗi khu vực có thể chuyển lên tiềm năng cao nhất hoặc dừng lại ở mức độ thấp hơn (Hình 11).
Hình 11: Mô hình chuyển hóa không gian vùng ven TP.HCM
Nguồn: Nhóm nghiên cứu đề án phát triển hạ tầng đô thị vùng ven TP. HCM
Các cơ hội để hình thành trung tâm thứ cấp vùng (đô thị tiên phong nhóm 6) là tổ hợp của các yếu tố như khả năng kết nối nhanh với hệ sinh thái có chiều sâu sẵn có. Không gian của đô thị nhóm này cần có vùng ảnh hưởng đủ lớn để duy trì tính hợp lý khi xây dựng hệ sinh thái của riêng mình. Với giới hạn về quy mô quỹ đất chuyển đổi có lợi thế về chi phí đầu tư và chuyển đổi, với thực tế các hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái định cư, và hệ sinh thái các doanh nghiệp có sức sáng tạo cao ở trong vùng, nhóm tác giả đề xuất mô hình thời gian và không gian cho đô thị tiên phong trong vùng TP.HCM với thời gian di chuyển tới khu vực này 40 phút và bán kính 50km (Hình 12).
Có thể hình dung tiềm năng phát triển vùng ven thành phố theo bản đồ so sánh các khu vực tiềm năng chủ yếu. Nếu chỉ xét mô hình không gian và thời gian (chưa xét tới hệ sinh thái doanh nghiệp kề cận), cơ hội phát triển để trở thành trung tâm thứ cấp có quy mô lớn ở các huyện của TP.HCM bao gồm trung tâm huyện Bình Chánh, phía Nam huyện Nhà Bè, Nam huyện Củ Chi và Nam huyện Cần Giờ . Tuy nhiên, để trở thành các đô thị nhóm 6 (tiên phong), các khu vực này cần có khả năng tận dụng cơ hội đột phá về chính sách đầu tư hạ tầng kết nối và thu hút các dự án chiến lược để khai thác không chỉ quỹ đất mà còn hệ sinh thái doanh nghiệp và đô thị lân cận. Cần chú ý rằng nhóm 6 thường không đứng một mình mà sự hình thành cần các vùng đệm của riêng mình như các nhóm 1, 2, và 3 ở khu vực lân cận (Hình 13).
Hình 13: Phân vùng tiềm năng phát triển đô thị các huyện vùng ven
Nguồn: Nhóm nghiên cứu
Các đề xuất định hướng cho từng khu vực cần nghiên cứu cụ thể, song có thể rút ra một số định hướng phát triển theo khu vực bao gồm:
1. Các khu vực nông thôn bảo tồn (1) về cơ bản cần định hướng quy hoạch lấy hệ sinh thái tự nhiên làm chủ đạo, hạn chế phát triển dự án làm suy giảm chất lượng cảnh quan và hạ tầng xanh. Có thể cân nhắc chỉ cho phép các dự án phát triển theo mô hình kinh tế bảo tồn với mật độ xây dựng, chỉ tiêu dân số và các kiểm soát loại hình dự án đi kèm với các chính sách phát triển hạ tầng giao thông ‘xanh’ đặc trưng cho vùng sinh thái.
2. Các khu vực nông thôn mới (2) đa phần nằm ở vị trí không thuận lợi xây dựng đô thị và ưu tiên bảo vệ các giá trị tài nguyên nông nghiệp. Định hướng cải thiện hạ tầng đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, giữ ổn định về hình thái định cư nông thôn, văn hóa bản địa, và dịch chuyển chức năng kinh tế sang kết hợp nông nghiệp và dịch vụ.
3. Các khu vực nông thị (3) chủ động dịch chuyển hệ sinh thái chuyển tiếp, cho phép gia tăng mật độ xây dựng theo các dự án phát triển nhà ở và việc làm ở ven đô quy mô trung bình và nhỏ. Tập trung cải thiện các điều kiện tiện ích tại chỗ dựa vào cộng đồng và bảo vệ các giá trị văn hóa địa phương và chuyển đổi chức năng kinh tế sang dịch vụ, đô thị, và nông nghiệp.
4. Các khu vực vành đai đô thị ngủ (4) có thể bao gồm một phần nông thị tạo điều kiện cung cấp nhu cầu ở cho cả nhóm phân khúc giá rẻ và cao cấp để nuôi các dịch vụ dân sinh đa dạng và gắn kết xã hội. Cho phép tăng chỉ tiêu dân số và bổ sung hạ tầng xã hội – đặc biệt là trường học và kết nối nhanh đến các trung tâm việc làm dựa vào mô hình vận tải đa phương thức (MOD - Multi-mode Oriented Development ) và vận tải hành khách công cộng sức chở lớn (TOD - Transit Oriented Development ).
5. Các khu vực đô thị vùng ven (5) đa số là công nghiệp dịch vụ hỗn hợp cần định hướng để hình thành các đô thị công nghiệp dịch vụ đồng bộ với hình thái phù hợp (ví dụ chuỗi, hành lang, cụm) và giải quyết đồng bộ vấn đề nhà ở giá phải chăng, ô nhiễm, và giảm chi phí logistics do phân tán về tổ chức các cụm công nghiệp giai đoạn trước. Bổ sung năng lực vận tải kết nối vùng bằng các hành lang vận tải sử dụng đa phương thức (MOD) và vận tải hành khách công cộng sức chở lớn (TOD).
6. Các đô thị tiên phong (6) cần ưu tiên đầu tư và hoàn thiện hạ tầng kết nối nhanh, kết hợp cả phát triển MOD và TOD tới trung tâm CBD hiện hữu. Đầu tư đồng bộ dự án phát triển chiến lược và kết nối với hệ sinh thái các khu vực lân cận để hình thành không gian hỗ trợ cho trung tâm dịch vụ sáng tạo giá trị gia tăng cao.
5 Thay cho kết luận
Vùng ven TP.HCM cần ứng xử trên quan điểm cân bằng trong chuyển hóa giữa các hệ sinh thái. Bằng cách tận dụng lợi thế của các hệ sinh thái và ứng xử cân bằng trong phát triển, chúng ta có thể vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo vệ được nền tảng phát triển, thúc đẩy các ngành kinh tế, và giảm khoảng cách phân hóa xã hội. Việc mở rộng nhận thức về các hình thái chuyển tiếp là cần thiết trong định hướng quy hoạch cho vùng ven TP.HCM nói riêng và các đô thị lớn ở Việt Nam.
Quy mô và tính đa dạng của không gian vùng ven TP.HCM đòi hỏi sự cẩn trọng trong lựa chọn phát triển tại các khu vực rủi ro cao với biến đổi khí hậu. Các khu vực vùng ven phía Tây và Nam cần bảo vệ hạ tầng xanh và chức năng hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt hạn chế phát triển tại các khu vực rủi ro cao. Cần linh hoạt trong dịch chuyển mô hình kinh doanh mới trên nền tảng không gian cũ theo hướng nâng cao sức chống chịu biến đổi khí hậu.
Cơ hội và tiềm năng bứt phá cần tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược. Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ đơn tâm lan tỏa sang mô hình mạng lưới ‘thông minh’ đa trung tâm không chỉ cần thời gian mà còn phụ thuộc vào những đột phá về cơ chế chính sách và cách thức lựa chọn dự án. Cần tránh dàn trải trong đầu tư và chấp nhận sự phân hóa về tốc độ tăng trưởng ở một số khu vực trong giai đoạn trước mắt. Sự tập trung này tạo cơ hội cho thành phố bứt phá lên tầm cao mới, đồng thời chuẩn bị các tiền đề phát triển hài hòa và bền vững hơn cho cả vùng và quốc gia.
Tài liệu tham khảo
1. Aguilar, A.G., M.A. Flores, and L.F. Lara, Peri-Urbanization and Land Use Fragmentation in Mexico City. Informality, Environmental Deterioration, and Ineffective Urban Policy. Frontiers in Sustainable Cities, 2022. 4.
2. Nations, F.a.A.O.o.t.U. Global Urban Rural Catchment Areas. 2021 14/08/2023]; Available from: https://data.apps.fao.org/?lang=en.
3. Ravetz J., Fertner C., and N. T.S., The Dynamics of Peri-Urbanization. , in Peri-urban futures: Scenarios and models for land use change in Europe, Ravetz J., Fertner C., and N. T.S., Editors. 2013, Springer: Berlin, Heidelberg.
4. Benedict, M.A. and E.T. McMahon, Green infrastructure: smart conservation for the 21st century. Renewable resources journal, 2002. 20(3): p. 12-17.
5. Hieu, N.N., Integrated planning: from understanding to implementing institution. Vietnam Architecture Journal, 2017. 206: p. 5.
6. Suzuki, H. and J. Murakami, Theory of Land Value Capture and Its Instruments, in Financing Transit-Oriented Development with Land Values: Adapting Land Value Capture in Developing Countries. 2015. p. 43-67.
7. Vaggione, P. and e. al, Urban planning for city leaders, ed. n. edition. 2013: UN-HABITAT.
8. Frey, H.W., Not green belts but green wedges: The precarious relationship between city and country. Urban Design International, 2000. 5(1): p. 13.
9. Van-Der-Burg, A.J. and F.M. Dieleman, Dutch urbanisation policies: From 'compact city' to 'urban network'. Tijdschrift voor Economische en Sociale Geografie, 2004. 95(1): p. 108.
10. Planning, M.O.o., Smart green growth planning guide 2013. 2013.
11. CASA, U., Unearthing the Roots of Urban Sprawl: A Critical Analysis of Form, Function and Methodology, in 47. 2002: London, UK.
12. Geissdoerfer, M., et al., The Circular Economy – A new sustainability paradigm? Journal of Cleaner Production, 2017. 143: p. 757-768.
13. Rimmer, P.J., Overview: Restructuring Chinese space in the new millennium. Asia Pacific Viewpoint, 2002. 43(1): p. 1.
14. McGee, T.G., The Emergence of Desakota Regions in Asia : Expanding a Hypothesis. The Extended Metropolis : Settlement Transition in Asia, Ginsburg, 1991.
15. Talen, E., Zoning For and Against Sprawl: The Case for Form-Based Codes. Journal of Urban Design, 2013. 18(2): p. 175-200.
16. Mora, L., M. Deakin, and A. Reid, Strategic principles for smart city development: A multiple case study analysis of European best practices. Technological Forecasting and Social Change, 2019. 142: p. 70-97.
17. Central, S.C., Smart Code. 2009, The town paper Publisher.
18. McGee, T., Desakota (1991), in The Horizontal Metropolis: The Anthology. 2022, Springer. p. 393-413.
19. Sit, V.F. and C. Yang, Foreign-investment-induced exo-urbanisation in the Pearl River Delta, China. Urban Studies, 1997. 34(4): p. 647-677.
20. Chen, Y., Y. Wen, and Z. Li, From blueprint to action: The transformation of the planning paradigm for desakota in China. Cities, 2017. 60: p. 454-465.
21. Moench, M. and D. Gyawali, Desakota: reinterpreting the urban-rural continuum. Final Report Desakota II A. Natural Environment Research Council http://r4d. dfid. gov. uk/PDF/Outputs/EnvRes/Desakota-Part-II-A. pdf (accessed October 2012), 2008.
22. Ravetz, J., C. Fertner, and T.S. Nielsen, The dynamics of peri-urbanization, in Peri-urban futures: Scenarios and models for land use change in Europe. 2012, Springer. p. 13-44.
23. Garreau, J., Edge city: Life on the new frontier. 2011: Anchor.
24. Scheer, B.C. and M. Petkov, Edge city morphology: A comparison of commercial centers. Journal of the American Planning Association, 1998. 64(3): p. 298-310.
25. Lang, R.E., Edgeless cities: Exploring the elusive metropolis. 2003: Brookings Institution Press.
26. Anderson, N.B. and W.T. Bogart, The structure of sprawl: Identifying and characterizing employment centers in polycentric metropolitan areas. American Journal of Economics and Sociology, 2001. 60(1): p. 147-169.
27. Sultana, S., Edge Cities in the Era of Megaprojects, in Engineering Earth: The Impacts of Megaengineering Projects. 2010, Springer. p. 1071-1088.
28. Bogart, W.T. and W.C. Ferry, Employment centres in greater Cleveland: Evidence of evolution in a formerly monocentric city. Urban studies, 1999. 36(12): p. 2099-2110.
29. Giuliano, G. and K.A. Small, Subcenters in the Los Angeles region. Regional science and urban economics, 1991. 21(2): p. 163-182.
30. McDonald, J.F. and P.J. Prather, Suburban employment centres: The case of Chicago. Urban studies, 1994. 31(2): p. 201-218.
31. Dupont, V., et al., PERI-URBAN DYNAMICS: POPULATION, HABITAT AND ENVIRONMENT ON THE PERIPHERIES OF LARGE INDIAN METROPOLISES A review of concepts and general issues. 2005.
32. Hein, C., Y. van Mil, and L. Ažman Momirski, Port City Atlas. 2023.
33. Kasarda, J. and S. Appold, Planning a Competitive Aerotropolis. 2014. p. 281-308.
34. Katz, B. and J. Wagner, The Rise of Innovation Districts: A New Gegoraphy of innovation In America, in Metropolitan Policy Program. 2014, Brookings.
35. Romein, A., The contribution of leisure and entertainment to the evolving polycentric urban network on regional scale - towards a new research agenda. European Regional Science Association, ERSA conference papers, 2005.
36. Dear, M. and S. Flusty, Postmodern Urbanism. Annals of the Association of American Geographers, 1998. 88(1): p. 50-72.
37. Hieu, N.N., Discussions on developing compact city in Vietnam. Vietnam Construction Planning Journal, 2018. 2018(93+94).
38. Chen, Z.J., Pattern and tren of HCMC spatial and economic transformation, in Service Infrastructure for Hochiminh city towards 2030. 2019, Hochiminh City People's Commiitee: Hochiminh city.
39. HCM, S.Q.h.K.T.T., Báo cáo tọa đàm về đề án phát triển hạ tầng công nghiệp TP.HCM 2020-2045. 2020: HCMC.