Quy hoạch – kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu khu vực các tỉnh duyên hải miền trung

Quy hoạch – kiến trúc nông thôn phục vụ

xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu

khu vực các tỉnh duyên hải miền trung

 

PGS.TS.KTS. Nguyễn Vũ Phương

PGĐ. Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - BXD

 

 MỞ ĐẦU

Nông thôn Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển đáng kể qua các giai đoạn xây dựng nông thôn mới (NTM), và trong đó, giai đoạn 2010-2020 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Duyên hải miền Trung (DHMT) với địa hình phức tạp, thời tiết biến đổi và nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, biến đổi khí hậu & nước biển dâng (BĐKH&NBD). Xây dựng NTM tại các tỉnh DHMT vẫn còn một số thách thức và hạn chế cần phải vượt qua như: hạn chế về nguồn lực, quy hoạch thiếu linh hoạt, và khả năng ứng phó với thiên tai, BĐKH&NBD đang trở thành những thách thức quan trọng đối với việc phát triển bền vững khu vực nông thôn.

Giải pháp quy hoạch - kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng NTM ứng phó với thiên tai, BĐKH giai đoạn 2021-2025, trở nên cấp bách và có ý nghĩa lớn, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững các tỉnh DHMT. Bài báo này tập trung vào việc đánh giá, phân tích và đề xuất các giải pháp quy hoạch - kiến trúc nông thôn, điều tiết về thiết kế môi trường và hạ tầng để ứng phó hiệu quả với thiên tai, BĐKH. Việc này không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội, mà còn đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân cũng như bảo vệ tài nguyên và môi trường.

 NỘI DUNG

1.         Thực trạng xây dựng NTM tại các tỉnh duyên hải Miền Trung

Mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xây dựng NTM giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề QHXD nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng NTM” với mục tiêu cơ bản phủ kín QHXD nông thôn trên địa bàn cả nước nhằm làm cơ sở để đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ban hành “Bộ tiêu chí quốc gia về NTM” bao gồm 19 tiêu chí, được chia thành 5 nhóm: (1) Nhóm tiêu chí về quy hoạch; (2) về hạ tầng KT-XH; (3) về kinh tế và tổ chức sản xuất; (4) về văn hóa - xã hội - môi trường và (5) về hệ thống chính trị; và xây dựng quy chuẩn áp dụng cho từng vùng miền cụ thể. Quan điểm xuyên suốt đó là xây dựng theo tiêu chí chung cả nước; xây dựng NTM địa bàn cấp xã trong phạm vi cả nước (không thí điểm, 9111 xã cùng làm). Khi xã đạt đủ 19 tiêu chí đó thì mới được công nhận là xã NTM.

Bảng 1: Số xã đạt theo từng tiêu chí Quốc gia NTM của 14 tỉnh DHMT

(Tính đến tháng 02/2021)

 

Ghi chú: Phạm vi nghiên cứu tập trung vào 14 tỉnh ven biển Miền Trung gồm: (1) Vùng duyên hải Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. (2) Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Việc lập đồ án QHXD, QHC và quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo “Bộ tiêu chí quốc gia” đã tạo lập và từng bước thay đổi bộ mặt NTM theo hướng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên các tỉnh DHMT đang phải đối mặt với tác động của BĐKH và ngày càng gia tăng của thiên tai như bão, lũ quét, nước biển dâng… gây thiệt hại đáng kể cho hạ tầng, nền kinh tế và cuộc sống của người dân nơi đây. Việc triển khai quy hoạch và xây dựng NTM ứng phó với thiên tai, BĐKH đòi hỏi nguồn lực và tài chính đáng kể, các tỉnh DHMT thường gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực để đáp ứng yêu cầu này, bên cạnh đó vẫn còn những thách thức và hạn chế, đó là:

- Thiếu quy hoạch bền vững và chiến lược phát triển dài hạn làm giảm khả năng ứng phó với thiên tai, BĐKH và dẫn đến sử dụng không bền vững của tài nguyên và môi trường.

- Một số khu vực còn thiếu hạ tầng và dịch vụ công làm hạn chế khả năng phát triển và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai.

- Thiếu kiến thức và nhận thức về BĐKH ở một số cộng đồng cư dân, nên việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và ứng phó với thiên tai, BĐKH vẫn còn hạn chế.

- Sự phân hóa và mất cân đối trong phát triển kinh tế - xã hội làm gia tăng rủi ro và tác động tiêu cực của thiên tai, BĐKH lên các nhóm dân cư yếu thế.

2.         Các tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan, BĐKH tới các tỉnh DHMT

DHMT với 1/3 chiều dài bờ biển nước ta, là địa bàn chiến lược trong chiến lược kinh tế biển gắn với phát triển du lịch; một địa bàn giàu tiềm năng, nhưng cũng chịu nhiều thiên tai và thách thức trong quá trình phát triển. Với đặc điểm cấu tạo địa hình nhiều dòng chảy và sơn hệ chằng chịt trên cùng một dải địa hình, có đảo nhỏ, thung lũng, nên không gian cảnh quan văn hóa vùng DHMT thường bao gồm cả không gian văn hóa biển đảo, duyên hải, nông thôn đồng bằng và văn hóa miền núi - trung du. Tùy thuộc vào địa lý và địa hình có thể phân chia thành các loại hình cơ bản: Làng trung du-miền núi; Làng đồng bằng; Làng vùng cửa sông-ven biển; Làng ngư dân ven biển.

DHMT là nơi thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiên tai, gió bão, lũ lụt, sóng lớn, triều cường. Các tác động này ngày càng diễn biến phức tạp cùng với BĐKH&NBD tại các vùng ven biển, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Có 4 kịch bản RCP - Representative Concentration Pathways (RCP2.6, RCP4.5, RCP6.0 và RCP8.5). Nghiên cứu này chỉ đánh giá biên độ biến động trên 02 kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 đã được cập nhật năm 2020 của Việt Nam, đánh giá cho khu vực DHMT. 

(1) Bắc Trung Bộ: có địa bàn từ phía nam Ninh Bình tới phía bắc Đèo Hải Vân, lãnh thổ kéo dài, hành lang hẹp, kéo dài từ dãy Tam Điệp ở phía bắc tới dãy Bạch Mã ở phía nam, địa hình phân dị phức tạp, có thể phân chia: (1) Vùng đồi trước núi, (2) Vùng đồng bằng hẹp ven biển. Thời tiết khắc nghiệt, nhiều biến động, chế độ thuỷ triều tương đối phức tạp, chế độ nhật triều không đều, trung bình hàng năm có 6 cơn bão đổ bộ vào khu vực. Dự báo kịch bản BĐKH khu vực Bắc Trung Bộ đến năm 2050: Nhiệt độ vùng duyên hải tăng 1,5 độ C, vùng nội địa tăng 2,5 độ C. Lượng mưa tăng 0 – 5% vào mùa khô và 0 – 10% vào mùa mưa, nước biển dâng cao 35cm.

(2) Duyên hải Nam Trung Bộ: là vị trí trung chuyển giữa hai miền Bắc-Nam, nối Tây Nguyên với các cảng biển phía Đông tạo thuận lợi cho lưu thông và trao đổi hàng hóa, phát triển tổng hợp kinh tế biển. Về địa hình, duyên hải Nam Trung Bộ khá phức tạp, bị chia cắt bởi những sườn núi chạy từ dãy Trường Sơn tới biển, có sự đan xen rõ ràng giữa 3 tài nguyên rừng, núi và biển, bờ biển lại khúc khuỷu nên hình thành nhiều đảo, bán đảo, quần đảo. Là vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết khắc nghiệt, với nhiệt độ cao và mưa nhiều, sông ngòi dốc và ngắn, cho nên thường xuyên xả lũ vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô. Lũ thường xuất hiện vào các tháng 10, 11 với cấp báo động 2, 3 chiếm 80% tổng số trận lũ năm. Dự báo BĐKH khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2050: Nhiệt độ vùng duyên hải tăng 1,5 độ C, vùng nội địa tăng 2,4 độ C. Nước biển sẽ dâng lên từ 0,25, tăng diện tích ngập lụt và số dân bị ảnh hưởng bởi ngập nước. Các vấn đề về BĐKH&NBD đã và đang đe dọa, ảnh hưởng trực tiếp đến các làng xã nông thôn duyên hải Nam Trung Bộ.

Thiên tai và BĐKH có tác động đáng kể đến quy hoạch và xây dựng NTM tại các tỉnh DHMT, cụ thể là: (1) Gây ra tổn thất và phá hủy cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các khu vực nông thôn ven biển; (2) Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và thu nhập của các hộ nông dân; (3) Đảo lộn đến mô hình kinh tế của các tỉnh ven biển Miền Trung; (4) Đe dọa đến an sinh xã hội, gây ra tình trạng nghèo đói, đe dọa đến sức khỏe và giáo dục, và làm gia tăng sự bất bình đẳng xã hội; (5) Rủi ro tăng cao, đe dọa đến sự an toàn và an ninh của cộng đồng, gây thiệt hại về người và tài sản. Để đối phó với những tác động này, QHXD NTM giai đoạn 2021 – 2025 cần quy hoạch chặt chẽ, bền vững và linh hoạt, đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp ứng phó với thiên tai, BĐKH&NBD.

3.         Lồng ghép ứng phó với thiên tai, BĐK trong quy hoạch xây dựng NTM

a) Quan điểm và nguyên tắc

Để nâng cao sức chống chịu thiên tai, QHXD NTM cần dựa trên các nguyên tắc: Tích hợp-Toàn diện-Tổng thể, được thực hiện trong mối quan hệ với chiến lược tổng thể ứng phó với BĐKH của huyện, tỉnh với tầm nhìn dài hạn, ưu tiên các biện pháp thích ứng với các tác động do thiên tai, BĐKH gây ra. Các nội dung lồng ghép ứng phó thiên tai, BĐKH trong QHXD NTM bao gồm: (1) Sàng lọc các vấn đề trọng tâm của thiên tai, BĐKH&NBD và ưu tiên lồng ghép vào QHXD xã NTM; (2) Đánh giá tác động của BĐKH đến các mô hình, giải pháp quy hoạch-kiến trúc và đề xuất giải pháp ứng phó.

Các quan điểm trên cần được cụ thể hóa dựa trên các nguyên tắc nhằm tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu với thiên tai, BĐKH. Tăng cường các giá trị của hệ thống tự nhiên được lồng ghép vào Quy hoạch phát triển không gian và sử dụng đất, quy hoạch, thiết kế hệ thống hạ tầng, tạo lập và gắn kết các vùng/khu vực có chức năng tự nhiên, Quy hoạch và quản lý dựa trên chu trình tuần hoàn tự nhiên của yếu tố nước, cụ thể là: (1) Các nguyên tắc nhằm thích nghi với bão và ngập lụt gia tăng; (2) Các nguyên tắc nhằm thích nghi với mực NBD; (3) Các nguyên tắc nhằm giúp giảm thiểu CO2.

b) Trình tự và nội dung lồng ghép ứng phó thiên tai, BĐKH

Lồng ghép ứng phó thiên tai, BĐKH trong QHXD NTM cần được thực hiện một cách đồng bộ, linh hoạt tùy thực tế theo khả năng kinh tế của mỗi địa phương để xác định cấp độ ứng phó với BĐKH trong từng giai đoạn nhất định. Trình tự lồng ghép ứng phó thiên tai, BĐKH trong QHXD NTM giai đoạn 2021 - 2025 gồm 4 bước chính:

Bảng 2: Trình tự lồng ghép ứng phó thiên tai, BĐKH

 

Nội dung ứng phó thiên tai, BĐKH không chỉ bó hẹp trong một tiêu chí mà cần phải được lồng ghép trong các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM khi áp dụng cho mỗi địa phương.

- Nghiên cứu, xác định mức độ an toàn các cụm, điểm dân cư, các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng trước nguy cơ sạt lở đất, lũ quét vùng đồi núi của tỉnh...

- Rà soát các vị trí, cao trình xây dựng của tất cả các chức năng các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để có phương án bảo vệ thích hợp. Cần mạnh dạn di dời đến các địa điểm có địa thế cao hơn để xây dựng là biện pháp an toàn và kinh tế hơn về lâu dài, nhất là các khu vực dự kiến phát triển mới.

- Các khu vực, cụm dân cư đang sinh sống có nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời khẩn cấp đến nơi ở mới. Địa phương cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để thực hiện di dời các hộ dân này đến nơi ở an toàn.

c) Xây dựng cộng đồng bền vững

- Xây dựng cộng đồng chống chịu: tăng cường giáo dục và nhận thức về thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, chia sẻ thông tin, kỹ năng và tài nguyên trong quá trình quy hoạch và ứng phó.

- Đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn: khuyến khích nông dân áp dụng phương pháp nông nghiệp bền vững, phát triển nhiều nguồn thu nhập khác nhau như nông nghiệp hữu cơ, du lịch nông thôn, chế biến sản phẩm nông nghiệp và nghề thủ công.

- Tăng cường hợp tác và liên kết giữa các cấp chính quyền địa phương, tổ chức nông nghiệp, các tổ chức KH và xã hội dân sự giúp chia sẻ thông tin, kỹ thuật và tài nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp ứng phó thiên tai, BĐKH.

- Tăng cường hỗ trợ chính sách và tài chính: bao gồm khuyến khích và ưu đãi cho nông dân áp dụng các giải pháp bền vững, hỗ trợ tài chính để xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhà ở an toàn, và các công trình phòng chống thiên tai.

4.         Các tiêu chí và giải pháp quy hoạch NTM ứng phó thiên tai, BĐKH

Quá trình đô thị hóa và hoạt động QHXD nông thôn giúp phát triển cơ sở vật chất, nâng cao đời sống của các cộng đồng nhưng lại có tác động xấu đến các khu vực địa phương xung quanh. Quy hoạch nông thôn theo hướng bền vững thích ứng với thiên tai, BĐKH nhằm đảm bảo xã hội, nền kinh tế và môi trường phát triển một cách hài hòa bao gồm các yếu tố:

(1) Vị trí & môi trường xây dựng;

(2) Tiêu thụ năng lượng & nước sạch hiệu quả;

(3) Kết cấu và vật liệu xây dựng bền vững;

(4) Không gian kiến trúc cảnh quan;

(5) Thích ứng thiên tai, BĐKH&NBD.

 

 

Bảng 3: Tiêu chí đánh giá quy hoạch NTM ứng phó thiên tai, BĐKH

 

             

Hình 1,2: QH xây dựng xã NTM xã Xuân Viên – huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Một trong 3 nghiên cứu thí điểm tại các địa bàn 3 xã của Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, có điều kiện tự nhiên đặc trưng của khu vực DHMT gồm: (1) Vùng cồn cát ven biển - nghiên cứu xã Cương Gián; (2) Vùng phù xa Sông Lam - nghiên cứu xã Xuân Lam; (3) Vùng đồi núi thuộc dãy Hồng Lĩnh - nghiên cứu xã Xuân Viên.

Quy hoạch xây dựng nông thôn ứng phó thiên tai, BĐKH cần dựa trên nghiên cứu khoa học và các giải pháp đổi mới trong quản lý và áp dụng các công nghệ để giải quyết các thách thức môi trường trên cơ sở các nguyên tắc chính sau.

1. Quy hoạch và bảo vệ môi trường

- Điều chỉnh sự phân bố địa lý hợp lý: của các hoạt động kinh tế và dân cư, bao gồm việc xác định các khu vực an toàn và không an toàn để phát triển các loại hình kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng, và lựa chọn các khu định cư.

- Bảo vệ và phục hồi môi trường: các diện tích rừng, sông ngòi, vùng đất ngập nước và vùng biển. Bảo vệ môi trường là cơ sở quan trọng để giảm thiểu tác động của thiên tai và BĐKH và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho nông thôn.

- Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phòng ngừa thiên tai: cảnh báo lũ lụt, cảnh báo bão & cảnh báo sóng thần giúp cung cấp thông tin quan trọng và đồng bộ để người dân và chính quyền có thể chuẩn bị và ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp.

2. Quy hoạch cơ sở hạ tầng

- Xây dựng hạ tầng chống ngập: bao gồm xây dựng đập, hệ thống thoát nước hiệu quả, công trình thoát lũ và xây dựng đê để bảo vệ nông thôn khỏi ngập lụt.

- Tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng: như hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, nước và viễn thông. Điều này giúp cung cấp các dịch vụ cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong điều kiện thiên tai và BĐKH.

- Xây dựng hệ thống giao thông và kết nối hiệu quả: hệ thống vận chuyển và kết nối mạng lưới giúp cung cấp sự liên kết giữa các khu vực nông thôn và giảm thiểu tác động của thiên tai đến việc di chuyển và tiếp cận nguồn lực.

- Đầu tư vào hệ thống quản lý nước: xây dựng và nâng cấp hệ thống cấp nước, thoát nước và lưu trữ nước giúp đảm bảo nguồn nước sạch và ổn định cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và các hoạt động khác trong khu vực nông thôn.

5.         Các tiêu chí và giải pháp kiến trúc nông thôn ứng phó thiên tai, BĐKH

Các giải pháp kiến trúc nông thôn, đặc biệt là kiến trúc nhà ở an toàn chống chịu thiên tai cần có khả năng chống chịu các tác động như gió mạnh, lũ lụt, bão và động đất đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng nông thôn khỏi các tác động tiêu cực của thiên tai và BĐKH. Dưới đây là một số giải pháp cụ thể:

- Địa hình và vị trí: Lựa chọn địa điểm xây dựng nhà tránh xa các khu vực nguy hiểm như vùng lũ lụt, vùng ngập úng, hoặc vùng đất không ổn định có nguy cơ sạt lở.

- Thiết kế cấu trúc: Xây dựng nhà có cấu trúc vững chắc, có hệ thống khung chịu lực và mối kết nối chắc chắn để chống chịu tác động của gió mạnh, lũ lụt.

- Vật liệu xây dựng: Sử dụng vật liệu chịu lực và chống chịu tốt như bê tông cốt thép hoặc gạch cứng, giúp tăng cường độ cứng và độ bền của nhà.

- Hệ thống thoát nước: Xây dựng hệ thống thoát nước hiệu quả để ngăn chặn ngập lụt và sự xâm nhập của nước vào nhà.

- Sử dụng năng lượng và tài nguyên bền vững: để giảm thiểu tác động đến môi trường và hỗ trợ sự phát triển bền vững như: sử dụng vật liệu tái chế và tái sử dụng; quản lý nước và tiết kiệm nước: áp dụng công nghệ và sử dụng năng lượng tái tạo.

Bảng 4: Tiêu chí đánh giá kiến trúc NTM bền vững ứng phó thiên tai & BĐKH    

           

            Hình 3: Một trong 8 mẫu nhà ở an toàn thiết kế điển hình do bằng vật liệu bê tông nhẹ và lắp ghép

             

Hình 4, 5: Mô hình Kiến trúc nhà ở an toàn -  được lắp dựng tại khuôn viên Trường ĐH Xây dựng Miền Trung (tháng 4/2022) do Hiệp hội gỗ VN tài trợ

 

KẾT LUẬN

Thiên tai, thời tiết cực đoan, BĐKH với tất cả những hậu quả của nó sẽ trở thành những cản trở không nhỏ trong sự phát triển nông thôn và chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại các tỉnh DHMT. Bởi vậy, việc nghiên cứu lồng ghép các nội dung ứng phó với thiên tai, BĐKH ngay từ giai đoạn lập QHXD NTM sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc thích ứng với các điều kiện thời tiết cực đoan, BĐKH trong tương lai. Các giải pháp nêu trên cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và tùy theo khả năng kinh tế ở mỗi địa phương và sự hợp tác quốc tế để xác định cấp độ ứng phó với thiên tai, BĐKH trong từng giai đoạn nhất định.

Các địa phương cần tiếp tục xây dựng các mô hình QHXD NTM có lồng ghép nội dung ứng phó thiên tai, BĐKH. Bổ sung nội dung chủ động về ứng phó thiên tai, BĐKH vào tiêu chí NTM cấp xã nâng cao, chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng. Có những giải pháp phát triển nâng cao và đổi mới sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thuận thiên.

Tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các nhà quản lý và người dân về tính tất yếu phải ứng phó với thiên tai, BĐKH&NBD và các tác động của nó đến môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Việc phòng chống thiên tai chỉ có thể phát huy được hiệu quả khi xuất phát từ chính trách nhiệm của người dân, cộng đồng trên một nền tảng kiến thức, nhận thức, kỹ năng để ứng phó. Đây là vấn đề cốt lõi trong việc ứng phó với thiên tai, BĐKH.

Nghiên cứu giải pháp quy hoạch-kiến trúc ứng phó thiên tai, BĐKH phục vụ xây dựng NTM là công cụ định hướng, hỗ trợ cho công tác lập QHXD điểm dân cư nông thôn, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho các khu vực dân cư, góp phần phát triển KT-XH, ổn định cuộc sống người dân nông thôn trong các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, giảm dần khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Chính phủ, 2009. Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.

2.         Bộ Xây dựng, 2019. Thông tư số 32/TT-BXD ngày 10/9/2009 Ban hành Quy chuẩn QHXD nông thôn.

3.         Bộ Xây dựng, 2021. QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch thay thế Thông tư số 22/2019/TT-BXD.

4.         Bộ Xây dựng, 2012. TCVN 4454/2012 về Quy hoạch xây dựng nông thôn.

5.         Bộ Xây dựng, 2019. QCVN 01:2019/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng.

6.         Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cập nhật các kịch bản BĐKH năm 2022.

7.         Báo cáo kết quả thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2019 và kế hoạch triển khai năm 2020 - Các tỉnh duyên hải Miền Trung.

8.         Báo cáo tóm tắt nhiệm vụ cấp Quốc gia: “Giải pháp Quy hoạch – Kiến trúc nông thôn phục vụ xây dựng nông thôn mới ứng phó thiên tai, BĐKH các tỉnh Miền Trung giai đoạn 2021 – 2025”. Chủ trì: PGS.TS.KTS. Nguyễn Vũ Phương.

 

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (126))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website