Định hướng giải pháp quy hoạch xây dựng đối với các xã nông thôn mới ven đô hà nội nhằm tăng cường kết nối đô thị và nông thôn

ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐỐI VỚI CÁC XÃ NÔNG THÔN MỚI VEN ĐÔ HÀ NỘI NHẰM TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN

 

TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận

UVTV Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội 

Tóm tắt

Khu vực ven đô của thành phố Hà Nội là các khu vực thuộc huyện/xã nằm xung quanh đô thị lõi trung tâm thành phố, có quy mô và mật độ dân cư tương đương tiêu chuẩn đô thị. Là khu vực giao thoa của nông thôn và thành thị, có mối liên hệ mật thiết với lõi đô thị, các khu vực ven đô thành phố có nhiều nét đặc trưng đô thị như mật độ dân số cao, quy mô cụm dân cư lớn, có nhiều hoạt động đầu tư và sản xuất phi nông nghiệp, là khu vực có nhiều biến động, nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, phát triển đô thị. Tuy nhiên, hiện nay, do một số bất cập trong quy hoạch cũng như các tiêu chí nhận diện, quản lý, khu vực này đang phải đối diện với nguy cơ thiếu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, ô nhiễm môi trường, không gian cảnh quan tự nhiên bị xâm lấn. Bài viết đưa ra một số kiến nghị về tiêu chí cho các xã nông thôn mới ven đô và định hướng giải pháp quy hoạch xây dựng đối với các xã nông thôn mới ven đô nhằm tăng cường kết nối đô thị và nông thôn.

Khái niệm xã nông thôn mới ven đô

Khu vực ven đô: Hà Nội là thành phố loại đặc biệt và loại I. Trong phạm vi ranh giới hành chính, một đô thị với vùng lõi trung tâm là khu vực thực sự có tính chất đô thị, rồi tới vùng ven đô là dạng chuyển tiếp và vùng nông thôn thuần tuý. Tuy nhiên, về mặt hành chính thì chỉ chia làm các quận nội thành, theo nghĩa là khu vực lõi đô thị, hay nội thị, và các huyện ngoại thành (nông thôn).

Xã nông thôn mới ven đô: Các xã nông thôn được công nhận là xã nông thôn mới tiếp giáp với khu vực lõi đô thị hoặc trong phạm vi ảnh hưởng của quy hoạch mở rộng của đô thị.

Đặc điểm xã nông thôn mới ven đô

Khu vực xã ven đô được hiểu là không gian nằm giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn thuần tuý, nó vừa mang tính chất đô thị vừa mang tính chất nông thôn; là vùng hậu phương của đô thị cung cấp dịch vụ hậu cần nhất định cho đô thị.

Khu vực xã ven đô thành phố Hà Nội là vùng đa chức năng, có động lực phát triển kinh tế và có mối quan hệ hữu cơ với trung tâm lõi đô thị; có quy mô diện tích và dân số lớn, luôn biến động về nhân khẩu, đất đai và ranh giới.

1. Tác động của đô thị hóa và mở rộng đô thị tại khu vực các xã NTM ven đô

1.1. Đánh giá chung

- Đối với các xã NTM ven đô chịu tác động của đô thị hóa

+ Hạ tầng kỹ thuật chính không đấu nối; thiếu những tiện ích đô thị mang tính liên vùng; quỹ đất sản xuất bị xé nhỏ; không xác định quỹ đất dự trữ cho phát triển; phát triển ngành nghề, nhân lực không có chiến lược dẫn tới tình trạng di dân, đặc biệt là giới trẻ.

+ Vấn đề môi trường thiếu kiểm soát; không gian xây dựng đô thị thiếu sự chuẩn bị; không có khả năng kêu gọi đầu tư vào cả lĩnh vực phát triển đô thị và sản xuất; công trình xây dựng thiếu kiểm soát.

+ Tài sản như thiên nhiên, sinh thái, văn hoá xã hội có quy mô lớn hơn quy mô nông thôn cục bộ nhưng không được phát huy đúng mức.

- Đối với các xã NTM được định hướng trở thành đô thị theo quy hoạch

+ Xu hướng đẩy giá đất lên cao và mở rộng xây dựng đô thị, mặc dù nhu cầu chưa chắc có, dẫn tới các quy hoạch treo, đầu tư hạ tầng lãng phí.

+ Những dự án phát triển làm phá vỡ cấu trúc hạ tầng nông nghiệp, đặc biệt là hệ thống tưới tiêu, trong khi việc phát triển đô thị lại không như dự kiến; vấn đề san lấp, nâng nền gây ảnh hưởng rộng trong vùng và liên vùng.

+ Chuyển đổi sinh kế không bền vững; phá huỷ cảnh quan, sinh thái; phá huỷ bản sắc không gian nông thôn.

1.2. Các tác động trên các mặt cụ thể

- Tác động đến cơ sơ hạ tầng kinh tế & nguồn lực phát triển

+ Vùng ven đô chịu tác động của lực kéo thị trường dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào các lĩnh vực kinh tế mới mang tính toàn cầu và lực đẩy thực trạng nội đô không đủ sức tiếp nhận chức năng kinh tế mới.

+ Dự án đầu tư bất động sản công nghiệp, thương mại, du lịch, nhà ở vùng ven đô đã kích thích phát triển đô thị lớn và lan tỏa mạnh mẽ đến vùng lân cận, đồng thời cải thiện kinh tế nông thôn và tạo ra nhiều việc làm.

- Thay đổi quy mô dân số và cơ cấu lao động

+ Tăng mạnh quy mô dân số do lượng lao động nhập cư và dân cư vãng lai.

+ Thay đổi cấu trúc nhân khẩu học vùng ven đô. Dân cư vùng ven có đặc điểm đa dạng, ngoài cư dân bản địa còn có cư dân từ các vùng nông thôn khác đến, cư dân hưu trí từ nội thành ra tìm kiếm môi trường ở tốt hơn, cư dân tham gia hoạt động kinh tế mới, cư dân quốc tế được bổ sung do vùng ven đô thiếu hụt lực lượng lao động trình độ cao đáp ứng nền kinh tế đổi mới.

- Tăng sức ép lên cơ sở hạ tầng

+ Mở rộng đô thị đến vùng nông thôn ven đô làm cho đất đai và không gian bị phân mảnh, mật độ thấp, khoảng cách đi lại xa hơn, hệ thống giao thông công cộng kém hiệu quả. Dẫn đến, cư dân mới sử dụng giao thông cơ giới cá nhân.

+ Các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện bị ngắt đoạn bởi hệ thống giao thông mới được ưu tiên xe chạy.

+ Nhiều khu vực xã ven đô cửa ngõ vào đô thị bị tắc nghẽn giao thông và tăng phát thải khí thải.

- Chuyển đổi cơ cấu sản xuất

+ Suy giảm rõ rệt quỹ đất nông nghiệp do bị chuyển đổi sang đất xây dựng.

+ Hệ thống hạ tầng thuỷ lợi cung ứng nước cho cánh đồng bị chia cắt bởi tuyến hạ tầng mới; sản phẩm nông nghiệp truyền thống khó cạnh tranh với vùng chuyên canh; áp lực từ giá trị đất cao đã khuyến khích chính quyền và người dân chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị...

+ Suy giảm sản xuất các cây trồng, vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế và giá trị văn hoá, du nhập các mô hình sản xuất mới: trang trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm nông thôn…

- Biến đổi cảnh quan, không gian ở

+ Suy giảm diện tích đất nông nghiệp và tự nhiên sinh thái

+ Gia tăng mật đô xây dựng

+ Phá hủy các điểm cảnh quan nông thôn truyền thống (cây đa, bến nước, cầu, quán, điếm…)

+ Suy giảm chất lượng môi trường nước, không khí do gia tăng các hoạt động sản xuất (KCN) và các hoạt động xây dựng (BĐS).

+ Suy giảm các hình thái nhà ở truyền thống, gia tăng các loại hình nhà ở theo lối đô thị: nhà chia lô, biệt thự, chung cư, ký túc xá…

- Công tác quản lý quy hoạch xã NTM ven đô

+ Đối với các quận và phường mới thành lập, nơi còn nhiều làng xã và không gian nông nghiệp xen kẹp đang được quản lý như đô thị nhưng chưa giải quyết được một cách thoả đáng những yếu tố nông thôn trong đó.

+ Đối với các huyện, xã theo quy hoạch sẽ trở thành quận, phường đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đang được quản lý như nông thôn và chưa giải quyết được vấn đề nhu cầu đô thị hoá trong thời gian gần.

+ Đối với các huyện, xã theo quy hoạch không trở thành quận, phường nhưng là vùng hậu phương cung cấp những dịch vụ hậu cần nhất định cho đô thị. Những khu này chưa biến thành đô thị trong thời gian gần nhưng cũng không phải là nông thôn thuần tuý mà là một vùng nông thôn nhưng cung cấp đan xen nhiều dịch vụ cho khu đô thị.

2. Định hướng quy hoạch chung xã NTM ven đô

2.1. Các yêu cầu đối với Quy hoạch chung xã NTM ven đô

- Trong QHC xã vùng ven đô phải xác định rõ lộ trình phát triển điểm dân cư nông thôn, cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật trong lộ trình xây dựng đô thị hoá trên địa bàn xã. Xác định các ngưỡng phát triển điểm dân cư nông thôn về dân số, số hộ, mật độ xây dựng... và các giải pháp không gian kiến trúc trong mối tương quan xây dựng đô thị hoá trên địa bàn xã. Đặc biệt là các không gian chuyển tiếp giữa khu vực xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn.

- Xây dựng khung hướng dẫn quy hoạch chung xã NTM ven đô phù hợp với các đặc thù và tính chất vùng ven đô.

- Xác định các chiến lược quy hoạch phù hợp theo định hướng đô thị hóa và khai thác được các thế mạnh và cơ hội của ĐTH cho phát triển các khu vực ven đô bền vững.

- Xây dựng mô hình quản lý quy hoạch linh hoạt để phù hợp với tính chất nửa đô thị nửa nông thôn tại các xã NTM ven đô.

2.2. Định hướng quy hoạch không gian tổng thể xã

a.         Đối với xã nằm trong ranh giới mở rộng đô thị

Về mặt tổng thể, đây là các xã NTM nhưng đã được định hướng trong trung hạn hoặc dài hạn để trở thành đô thị (phường, thị xã). Do vậy cần có giải pháp chuyển đổi phù hợp theo giai đoạn quy hoạch đô thị.

- Tuân thủ định hướng mở rộng của quy hoạch chung đô thị liền kề nhưng cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp theo các giai đoạn quy hoạch.

- Các chỉ tiêu quy hoạch tiệm cận với chỉ tiêu của đô thị.

- Đảm bảo tính kết nối liên tục về mặt không gian với đô thị liền kề thông qua: Kết nối không gian xây dựng; Kết nối không gian sinh thái, cảnh quan; Kết nối các trục giao thông, hạ tầng chính.

 

Hình 1: Định hướng phát triển không gian xã ven đô nằm trong ranh giới mở rộng đô thị

b.         Đối với xã tiếp giáp đô thị (Không nằm trong ranh giới mở rộng đô thị)

Về mặt tổng thể: Đây là các xã NTM chịu tác động mạnh của quá trình đô thị hóa nhưng vẫn giữ được các cơ cấu và tính chất chung của một xã nông thôn.

- Tuân thủ QHXD vùng huyện và định hướng xây dựng xã NTM nâng cao.

- Tăng cường kết nối với đô thị liền kề về mặt không gian chức năng nhưng vẫn bảo tồn các không gian sinh thái, cảnh quan đặc trưng nông thôn: Kết nối các trục, tuyến giao thông chính: trục kết nối trung tâm xã và đô thị; Kết nối, chia sẻ chức năng đô thị-nông thôn: cung cấp thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, không gian sinh thái, không gian tâm linh, cung cấp lao động và dịch vụ; Bảo tồn các không gian ngăn cách tự nhiên nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của mở rộng đô thị: các không gian nông nghiệp, không gian sinh thái, cảnh quan tự nhiên.

 

Hình 2: Định hướng phát triển không gian xã ven đô không nằm trong ranh giới mở rộng đô thị

2.3. Không gian giao tiếp đô thị - nông thôn

Không gian giao tiếp đô thị - nông thôn trên nền không gian cảnh quan, sinh thái khu vực tiếp giáp đô thị và xã NTM, là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ chức năng giữa đô thị và nông thôn như: trao đổi, tiếp thị hàng hóa nông sản, giới thiệu việc làm, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới, không gian sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch, sinh hoạt tâm linh…

                         

Hình 3: Minh họa một số không gian kết nối đô thị - nông thôn

2.4. Quy hoạch sử dụng đất

- Xây dựng kế hoạch phát triển nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, phát triển phù hợp giữa trước mắt (xây dựng NTM nâng cao) và lâu dài (phát triển đô thị).

- Có các giải pháp sử dụng đất của các khu vực có hoạch định các chức năng khác nhau theo các giai đoạn quy hoạch, làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch phát triển sau này.

- Các tiêu chí đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới phải lồng ghép với việc đồng bộ trong xây dựng, khai thác hiệu quả tài nguyên trong các giai đoạn phát triển giữa xây dựng phát triển đô thị và xây dựng phát triển nông thôn.

- Xây dựng chiến lược chuyển đổi cơ cấu kinh tế và việc làm theo hướng giảm tỉ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỉ trọng dịch vụ nông nghiệp, du lịch, đô thị. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp cũng hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm đất đai và tài nguyên nước, phục vụ trực tiếp cho thị trường vùng và đô thị liền kề.

- Hạn chế việc chăn thả tự do hoặc nuôi gia súc tập trung quy mô. Hướng đến mô hình phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, kết hợp khai thác du lịch sinh thái.

- Đối với các làng nghề truyền thống, khu vực tiểu thủ công nghiệp, trang trại thì các giải pháp quy hoạch không gian kiến trúc, mạng lưới hạ tầng kỹ thuật phải hướng tới đảm bảo sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giữ gìn được cảnh quan truyền thống.

2.5. Quy hoạch hạ tầng

- Trong quy hoạch xây dựng nông thôn khu vực ven đô phải có sự đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật theo các giai đoạn quy hoạch giữa xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn, đặc biệt là mạng lưới giao thông.

- Trong quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khu vực ven đô, các tiêu chuẩn áp dụng phải hướng tới các tiêu chuẩn xây dựng đô thị, trừ các loại hình điểm dân cư nông thôn mang chức năng đặc biệt. Trong đó các tiêu chuẩn về giao thông phải đi trước một bước.

- Quy hoạch hệ thống hạ tầng sản xuất theo hướng đáp ứng mô hình sản xuất công nghệ cao, sinh thái.

- Lưu ý đến các giải pháp bố trí hệ thống hạ tầng đầu mối cấp vùng (chung cho cả đô thị, nông thôn) nhằm hạn chế tối thiểu các tác động đến môi trường, cảnh quan.

 

 

 

 

Hình 4: Minh họa khoảng lùi xây dựng đường nông thôn

Nguồn: Phạm Hùng Cường   

2.6. Quy hoạch khu trung tâm xã và điểm dân cư

- Trong quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn khu vực ven đô, các tiêu chuẩn áp dụng phải hướng tới các tiêu chuẩn xây dựng đô thị, trừ các loại hình điểm dân cư nông thôn mang tính chất bảo tồn di sản.

- Trong quy hoạch điểm dân cư nông thôn khu vực ven đô phải xác định được các giải pháp khống chế phát triển không gian kiến trúc trên cơ sở thực trạng xã hội điểm dân cư nông thôn (như mật độ xây dựng, tầng cao, diện tích lô đất, chiều rộng lô đất mặt tiền, khoảng lùi xây dựng...).

- Có các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, di sản và văn hóa lối sống nông thôn.

             

Hình 5: Minh họa giải pháp tổ chức cảnh quan khu dân cư xã ven đô

3. Công tác quản lý xã NTM ven đô

       3.1. Trong giai đoạn 2020-2030, việc quản lý các xã Nông thôn mới ven đô cần được định hướng như sau

+ Tại các quận và phường mới thành lập, nơi còn nhiều làng xã và không gian nông nghiệp xen kẹp cần được quản lý như đô thị đồng thời phải giải quyết thoả đáng những yếu tố nông thôn trong đó.

+ Các làng, xã theo quy hoạch sẽ trở thành quận, phường đang diễn ra quá trình đô thị hoá mạnh mẽ hiện đang quản lý thuần tuý như  nông thôn cần có định hướng thay đổi cách quản lý sao cho đáp ứng nhu cầu đô thị hoá trong thời gian gần.

+ Các làng, xã theo quy hoạch không trở thành quận, phường nhưng là vùng hậu phương cung cấp những dịch vụ hậu cần nhất định cho đô thị, những khu vực này chưa biến thành đô thị trong thời gian gần, nhưng cũng không phải là nông thôn thuần tuý, mà là một vùng nông thôn nhưng cung cấp đan xen nhiều dịch vụ cho khu đô thị cần phải có hình thức quản lý đặc thù.

3.2. Trong giai đoạn 2020-2030, các xã Nông thôn mới sẽ phát triển theo xu hướng phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH theo hướng tăng trưởng xanh

+ Xây dựng NTM ở các xã ven đô cần được định hướng rõ ngay từ quá trình quy hoạch, định hướng rõ xã thuần nông nào sẽ trở thành xã ven đô, xã ven đô nào sẽ trở thành phường đô thị tránh bị lúng túng khi phát triển đô thị nóng không kịp với phát triển kinh tế.

+ Điều chỉnh Quy hoạch với các xã nông thôn mới dự kiến lên đô thị (phường, thị xã) giữ nguyên 19 tiêu chí NTM, có hiệu chỉnh tiêu chí về hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ với phát triển đô thị và bổ sung tiêu chí liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiểm soát môi trường  liên quan đến đô thị trong Nghị quyết 1210, để làng xóm nông thôn hội nhập bền vững hơn trong không gian đô thị. Đồng thời tổ chức phát triển sản xuất nông nghiệp khu vực ven đô hướng đến nền nông nghiệp đô thị, chuyển đổi nghề nghiệp sang phi nông nghiệp, bên cạnh đó chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.

Xây dựng NTM ở các xã ven đô cần được định hướng tránh tổ chức không gian cảnh quan theo kiểu mô phỏng hoàn toàn hình thái đô thị.

+ Lựa chọn các giải pháp tạo không gian cảnh quan làng xã xanh-sạch-đẹp, bảo tồn giá trị truyền thống làng xã đồng thời phát huy các giá trị đó trong xây dựng làng xã, nhà ở, các khu vực dân cư. 

+ Xây dựng NTM nói chung và NTM các xã ven đô cần chú trọng đến con người, nâng cao chất lượng sống của người dân đồng thời tạo lập không gian gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng hình ảnh nông thôn đa dạng với mỗi khu vực, mỗi vùng miền có đặc trưng riêng. Đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong tương lai nhưng cũng giữ được hình ảnh nông thôn truyền thống lâu đời trong tâm thức người Việt Nam.

4. Kết luận 

Trong quá trình xây dựng NTM gắn với ĐTH tại Hà Nội, nhiều làng xã đã và đang bị mất bản sắc truyền thống vốn có. Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên bị chiếm dụng, nhiều kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa làng quê đã bị mai một cho phát triển đô thị, nhiều làng xã trở thành “phố  làng”, nhiều  khu đô thị mi ni trong lòng nông thôn, khiến nhiều nơi bị “đô thị hóa” một cách khiên cưỡng. Các xã NTM đang xây dựng mới hệ thống đường giao thông đồng loạt theo phong trào và công thức đơn giản đã “bê tông hóa làng quê”. Nhiều khu vực miền núi không còn bóng dáng của miền sơn cước do việc đưa cách làm của miền xuôi lên miền ngược đã tạo ra xu hướng “đồng bằng hóa miền núi”. Nhiều làng nghề, nghề truyền thống có nguy cơ thất truyền. Nhiều di sản du lịch bị bỏ quên, làm mất đi nguồn thu của người dân, hoặc ngược lại, bị khai thác quá mức làm cạn kiệt, tôn tạo quá đà làm mất đi bản sắc hoặc bị “bảo tồn chết”  khiến người dân ngồi trên di sản phải sống trong điều kiện thiếu thốn…

Các xã NTM nói riêng và toàn bộ khu vực ven đô đang bị tác động mạnh do quá trình đô thị hóa dần trở thành một bộ phận của đô thị trong vòng 10-15 năm tới. Trong quá trình chuyển dịch của đô thị, các làng xã ven đô cũng có những biến đổi khác nhau cả về tích cực và cũng có những tiêu cực. Vì vậy cần dự báo trước sự phát triển để đưa ra các giải pháp quy hoạch và định hướng cho việc tổ chức không gian KTCQ cho các  xã nông thôn mới khu vực ven đô thị để tránh làm mất đi những giá trị di sản, bản sắc KTCQ hiện có, kế thừa và phát huy giá trị bản sắc đó tiếp tục hiện diện trong cả quá trình phát triển khi xã NTM  trở thành đô thị sau này.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2010), Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Hà Nội

2. Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/ 2016 của Thủ tướng Chính phủ)

3. Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 4212/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 của Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội)

4. Nghị quyết về phân loại đô thị số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội

5. TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận -  Đề tài NCKH “Nghiên cứu định hướng và giải pháp quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ven đô” 

6. Phạm Hùng Cường - Đề tài NCKH “Bảo tồn thích ứng di sản làng xã truyền thống trong quy hoạch nông thôn mới”

7. Phạm thị Nhâm - Đề tài NCKH “Nghiên cứu quản lý phát triển quy hoạch xây dựng nông thôn mới khu vực ven đô thành phố lớn giai đoạn 2015 – 2035”.

8. Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam - Tài liệu Hội thảo Quốc tế “Giải pháp quy hoạch xã NTM ven đô nhằm tăng cường liên kết Đô thị-Nông thôn và phù hợp với định hướng Đô thị hóa”

9.  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2010), Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.

10.ThS.KTS. Lã Hồng Sơn - “Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện của TP. Hà Nội – Thực trạng và giải pháp”- Sở Kiến trúc Quy hoạch Hà Nội.

 

 

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (126))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website