Định cư bền vững trong xây dựng nông thôn mới

Định cư bền vững trong xây dựng nông thôn mới

TS. Nguyễn Thị Lan Phương

 

Định cư bền vững trong xây dựng nông thôn mới lấy tiền đề là các mô hình định cư truyền thống của nông thôn Việt Nam trong quá khứ gắn liền với làng xã, con người định cư ở đó ổn định, lâu dài, nhiều thế hệ cùng sinh sống, cùng lao động sản xuất nông nghiệp. Trong sự phát triển của toàn cầu hóa, đô thị hóa, nông thôn Việt Nam cũng có nhiều thay đổi, có sự dịch chuyển nông thôn-thành thị và ngược lại. Sự dịch chuyển này đã khiến khu vực định cư nông thôn dần bị bị thu hẹp, mất đất, giảm không gian. Các khu vực nông thôn khác cũng đứng trước nguy cư hút - đẩy của đô thị làm suy giảm môi trường, gây lãng phí tài nguyên. Việc đề xuất mô hình định cư nông thôn bền vững dựa trên điều kiện thực tế của các khu định cư, nhằm phát huy được sức mạnh của các khu vực nông thôn khác nhau. Các mô hình định cư bền vững được đề xuất lấy nông nghiệp làm làm định hướng cạnh tranh, các khu định cư tập trung là cốt lõi đóng vai trò là cực tăng trưởng là phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Đảng.

Sustainable settlement in the new rural construction is premised on the traditional settlement models of Vietnam countryside in the past that is associated with villages, where people settled stably, long-term, for many generations living and working together in agricultural production. In the development of globalization and urbanization, Vietnam countryside has also undergone many changes, with shift of countryside to urban, and vice versa. This shift has caused rural settlement areas to gradually shrink, to lose land, and to reduce space. Other rural areas also face the risk of the attraction and push from urban, so that is degrading the environment and wasting resources. Proposing a sustainable rural settlement model is based on the actual conditions of settlements, in order to promote the strength of different rural areas. The proposed sustainable settlement models take agriculture as the competitive orientation, with concentrated settlements as the core serving as the growth pole, in accordance with the Sustainable Agriculture and Rural Development Strategy in period 2021-2030, vision to 2050 of the Party.

 

Mở đầu

Tháng 12/1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng khẳng định: “Quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học”1. Từ khi cải cách và mở cửa đến nay, Việt Nam đã trải qua quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Bên cạnh những thành công đã đạt được trong gần 40 năm qua, thì nền kinh tế thị trường cũng tạo ra làn sóng di cư nông thôn-thành thị. Năm 2015, 13,6% tổng dân số là người di cư, trong đó, người di cư trong nhóm tuổi từ 19-59 tuổi chiếm 17,3%. Di cư chủ yếu vì lý do học tập và lao động nên phần lớn người di cư có độ tuổi 15-39 tuổi, chiếm tỷ lệ 84% so với tổng số người di cư2 đã khiến khu vực nông thôn đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức như: suy thoái kinh tế, già hóa dân số, thiếu hụt lao động, đất nông nghiệp bị bỏ hoang…. Việt Nam còn là một trong những nước có bình quân đất sản xuất nông nghiệp thấp nhất thế giới khoảng 0,3ha5 và có lịch sử mang đặc thù nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, công tác quản lý yếu kém, thiếu quy hoạch, thiếu hạ tầng dẫn đến việc sử dụng đất kém hiệu quả, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế và môi trường định cư nông thôn nước ta.

Để đổi mới nông thôn Việt Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy chiến lược phục hồi nông thôn6. Ngày 28 tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược nhằm định vị ngành nông nghiệp và nông thôn trong một cấu trúc kinh tế- xã hội, trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, đồng thời cũng khẳng định vai trò sứ mệnh của ngành nông nghiệp và nông thôn. Cũng lần đầu, nông nghiệp được ghép với nông thôn như một sự tương hỗ hữu cơ với nhau.

 

Định cư nông thôn Việt Nam trong lịch sử

"Sinh thái cảnh quan là khoa học nghiên cứu tương tác giữa các điều kiện tự nhiên của đơn vị cảnh quan, đóng vai trò là các nhân tố sinh thái phát sinh ở các cấp phân vị trong hệ thống phân loại cảnh quan, ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành, phát triển của quần xã sinh vật, và chi phối đặc điểm phân bố cùng các hoạt động kinh tế của cộng đồng cư dân trong đơn vị cảnh quan đó"7. Con người Việt Nam trong lịch sử sinh sống, lao động và phát triển trong một hệ thống cảnh quan, hệ thống sinh học và hệ thống văn hóa dân tộc có độ đa dạng rất cao. Cảnh quan Việt Nam phong phú, nông thôn Việt Nam gắn liền với đất đai ruộng đồng, con người định cư ở đó ổn định, lâu dài, nhiều thế hệ đều gắn liền với hoạt động lao động sản xuất nông nghiệp7.

 Các khu định cư nông thôn Việt Nam truyền thống được xác định dựa trên đơn vị định cư cấp thôn (làng), làng nào cũng có khu trung tâm, khu phát triển, mang cấu trúc lõi-cạnh. Mỗi làng là một thực thể phát triển khác nhau nên cấp thôn/làng có xu hướng phát triển không đều đặn nhưng mô hình tổng thể trong một vùng cảnh quan chung thì không có sự thay đổi đáng kể. Nông thôn Việt Nam có sự phân bố không gian định cư nông thôn ở các cấp độ khác nhau thể hiện tính chất khác nhau như sau:

- Làng tập trung, được xác định là một khu vực có các ngôi nhà nằm liền kề nhau trên một khu vực đất đai rộng lớn hơn, trong khu vực đất đai này được chia thành các cụm nhỏ tạo thành xóm, nhiều xóm thành làng, đây là đặc điểm chung của làng truyền thống trong lịch sử hình thành và phát triển;

- Làng phân tán được xác định là các cụm nhà nhỏ, xa khu vực làng tập trung chính, có thể là các xóm mới phát triển hoặc bị chia cắt bởi địa hình như sông, suối, đồi, núi….

Mỗi làng đều có: “Cương vực địa lý nhất định; có lịch sử hình thành và phát triển; có những quan hệ xã hội chi phối dân cư trong làng; có những đặc trưng văn hóa đặc thù của làng”8.

Từ đó cho thấy định cư nông thôn truyền thống được dựa trên các thành tố về điều kiện tự nhiên, cảnh quan sinh thái, vị trí địa lý, điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa. Trong đó, điều kiện tự nhiên, cảnh quan sinh thái ảnh hưởng đến sự phân bố dân cư và các ngành nghề sản xuất; vị trí địa lý quyết định mức độ và khả năng của giao thông, giao thoa, giao thương bằng đường bộ, đường thủy…; điều kiện kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa là các giá trị vật chất và tinh thần làm nên sức sống của khu vực định cư nông thôn. Truyền thống, phong tục lựa chọn thế đất, dựa vào điều kiện tự nhiên để định cư, lập làng đã cho thấy hầu hết các ngôi làng đều có lịch sử phát triển và tự điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu khu vưc. Từ các thành tố trên cho thấy, mô hình định cư nông thôn truyền thống được xây dựng dựa trên ba tiêu chí gồm: quy mô, đặc điểm, mật độ, trong đó:

- Quy mô được phản ánh bằng diện tích đất đai của khu định cư nông thôn. Đất đai là tài nguyên trọng yếu, là môi trường để con người lao động sản xuất phát triển kinh tế, là động lực phát triển xã hội. Đất đai không chỉ là cơ sở cho việc hình thành các khu định cư nông thôn mà còn là điều kiện tiên quyết để thực hiện điều chỉnh và tối ưu hóa phát triển nông thôn.

- Đặc điểm được xác định bằng sự tương đồng hay khác biệt (điều kiện tự nhiên, cảnh quan sinh thái, kinh tế xã hội, lịch sử, văn hóa…). Sự khác biệt hay tương đồng về vị trí địa lý, quy mô, hình dạng cấu trúc của khu định cư… đều phản ánh sự tương tác giữa con người và thiên nhiên, là dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển của một khu định cư.

- Mật độ tập trung hay phân tán được xác định bằng sự tập trung về mật độ dân cư, tích tụ giá trị văn hóa, điểm nhấn kinh tế, hệ thống mạng lưới giao thông, khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục, y tế…. Điều kiện tự nhiên như: địa hình bằng phẳng, cảnh quan đồng nhất, môi trường khí hậu thuận lơi, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, giao thông phát triển tạo ra mô hình phân bố đồng đều, ổn định cho định cư nông thôn, các ngôi nhà trong làng san sát, liền kề. Các yếu tố kinh tế như chợ, đường sá, sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là những yếu tố rất quan trọng đối với làng xã tự cung tự cấp. Nhiều làng kết hợp vừa làm nông nghiệp vừa làm tiểu thủ công nghiệp, một số làng chỉ tập trung làm tiểu thủ công nghiệp “Trong cảnh quan nông thôn Việt Nam luôn có sự xuất hiện các làng nghề bên cạnh làng thuần nông” 8. Những sản phẩm tiểu thủ công nghiệp không chỉ phục vụ nhu cầu trong phạm vi làng mà cung cấp buôn bán cho cả một vùng/khu vực lân cận. Đối với các làng nghề do nhu cầu vận chuyển và tập kết nguyên vật liệu nên thường có đường sá rộng rãi hơn hoặc dễ dàng tiếp cận các bến thuyền ven sông do vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy khi chưa có xe cơ giới. Các làng nghề lâu đời đều để lại dấu ấn lịch sử trên các di tích lịch sử của làng như: Thờ Thành Hoàng làng là tổ nghề, tên xóm là tên các sản phẩm, làng thường được bố trí ven sông… Vì vậy các làng nghề thường năng động hơn các làng thuần nông, là tiền đề để xây dựng phát triển công nghiệp nông thôn.

 

Thay đổi định cư nông thôn Việt Nam trong quá trình đô thị hóa

Đô thị hóa là quá trình dân số tập trung ở thành thị hoặc tăng tỷ lệ dân cư sống ở thành thị do dịch cư từ nông thôn ra thành thị hoặc do diện tích đất ở đô thị tăng lên (U.52 - UN Habitat, 1992)9. Với đặc trưng là một nước đang phát triển, Việt Nam có đại bộ phận dân số sống ở nông thôn và đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Môi trường định cư nông thôn cũng đang đứng trước sự tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa9.

Khu vực nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với đô thị về mặt đất đai (khoảng 90% diện tích đất cả nước), dân số chiếm trên 60%10. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…”11. Trong giai đoạn tới, khu vực nông thôn sẽ có những chuyển đổi mạnh mẽ, hiện đại và tham gia vào thị trường quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay, khu vực định cư nông thôn đang dần bị bị thu hẹp, sự thu hẹp nông thôn được xét trên nhiều khía cạnh:

- Sự thu hẹp về dân cư: một lượng lớn dân số nông thôn, đặc biệt là lao động trẻ và trung niên, di cư đến các thành phố, diện tích đất ở nông thôn bị bỏ hoang. Trong tổng số lao động di cư đang làm việc trong nền kinh tế, có tới 91,4% người di cư làm ở khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Tỷ lệ này ở người di cư cao hơn so với người không di cư, đặc biệt tỷ trọng người di cư làm trong khu vực công nghiệp và xây dựng cao gần gấp đôi tỷ trọng người không di cư làm trong cùng khu vực (44,9% so với 27,7%)12. Người nhập cư từ 5 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số của các đô thị. Áp lực nhập cư đối với đô thị đặc biệt là lớn nhất, cứ 1000 người sống tại các đô thị đặc biệt thì có tới gần 200 người là người nhập cư, cao gấp 2,7 lần mức chung của cả nước12. Với thực trạng trên cho thấy đô thị hóa đã tác động tiêu cực đến định cư nông thôn, dân số già hóa, mất người lao động nông thôn. Nhà ở nông thôn chỉ còn người già, trẻ nhỏ lãng phí nghiêm trọng tài nguyên đất đai. 

- Sự thu hẹp về không gian: Việc hình thành khu vực ven đô đã cho thấy định cư nông thôn có nhiều thay đổi về cả tính chất, đặc điểm, cảnh quan, lối sống, sự phân đôi thành thị-nông thôn dần dần bị mờ ở khu vực ven đô. Trong quá khứ các làng ven đô vẫn thuộc về khu vực nông thôn. Trong quá trình đô thị hóa, các làng ven đô mang những đặc trưng, đặc điểm riêng của ranh giới đô thị - nông thôn. Đây cũng là khu vực có cơ sở hạ tầng được kết nối lưu thông thuận lợi, nhu cầu cuộc sống của người dân nông thôn được cải thiện tiến gần hơn với cư dân đô thị, nhiều người đô thị lựa chọn trở về sống tại vùng ven đô nơi có không gian rộng rãi, cảnh quan xanh mát, tiện ích và dịch vụ đầy đủ do các yếu tố từ đô thị dần dần chảy vào nông thôn, nhiều nhất là  các ngành dịch vụ như cắt tóc, gội đầu, chăm sóc làm đẹp, kinh doanh dịch vụ, du lịch…

- Sự thu hẹp về diện tích canh tác: Đối với các khu vực nông thôn thuần nông, có khoảng cách không quá xa đô thị lớn hoặc các khu công nghiệp lại xuất hiện hiện tượng dân làng bỏ ruộng, làng quê thiếu sức sống, lãng phí đất đai. Nguyên nhân chính là do sản xuất nông nghiệp là hoạt động rất vất vả, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, người trẻ tuổi lại có nhiều lựa chọn hơn trong các công việc khác nên họ chọn đăng ký đi làm ở các nhà máy, xưởng sản xuất tư nhân hoặc tham gia vào các loại hình cung cấp dịch vụ. Năm 2017, tỉnh Hà Nam chỉ có hơn 100 ha ruộng bị bỏ hoang thì năm 2019, số diện tích bị bỏ hoang đã lên tới 310 ha. Tỉnh Vĩnh Phúc, vụ mùa năm 2019 có hơn 1.000 ha ruộng bỏ hoang và diện tích gieo trồng vụ đông năm 2019 của tỉnh này giảm tới 6.000 ha. Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa có hơn 110 ha ruộng bị bỏ hoang; tỉnh Thái Bình có hơn 1.200 ha ruộng bị bỏ hoang14

Sự biến đổi về dân cư nông thôn và sử dụng đất trong quá trình đô thị hóa phản ánh sự thay đổi về định cư nông thôn. Đây là hiện tượng mang tính thời đại, định cư nông thôn có thay đổi và biến động là một tất yếu.

 

Định cư nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới-đề xuất mô hình

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) bắt nguồn từ Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được ban hành. Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt khoảng 43 triệu đồng/người/năm, gấp 1,8 lần so với năm 2015 và gấp 3,35 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn còn khoảng 5,6%. Cùng với đó, đã có 190 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 28,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Đồng thời, có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 tỉnh gồm Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM4. Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự là một “cuộc cách mạng về nông nghiệp, nông thôn4, đem lại một diện mạo mới, sức sống mới, kéo gần khoảng cách đời sống giữa cư dân nông thôn với khu vực đô thị. 

Định cư nông thôn mới hướng đến bền vững cần được xây dựng trên các chỉ số như: Quỹ đất, kinh tế và nguồn lực phát triển, hệ thống giao thông, sản lượng/sản phẩm lương thực, thực phẩm nông/lâm nghiệp, thủy sản, mật độ các ngành dịch vụ phục vụ đời sống, mật độ hộ gia đình/công ty kinh doanh, lợi thế về tự nhiên và giá trị quỹ di sản địa phương.

Khu vực định cư nông thôn được xác định từ cấp đơn vị hành chính thôn/làng đến cấp xã, cấp huyện, cấp vùng huyện. Việc xác định theo cấp độ trên cho thấy mối liên kết không gian giữa các khu định cư nông thôn và các yếu tố khác như khoảng cách giao thông đến trung tâm xã, thị trấn, đô thị; khoảng cách làng đến ruộng/khu vực sản xuất; khoảng cách đến nguồn nước tự nhiên; sự tiếp cận giáo dục, y tế.  Chương trình NTM đã thành công trong việc cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nâng cao môi trường định cư nông thôn. Giao thông vận tải là phương tiện quan trọng kết nối kinh tế giữa dân cư nông thôn với các khu vực khác và là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. 

Với các chỉ tiêu trên, định cư nông thôn bền vững cần được xây dựng dựa trên các mô hình phát triển như sau:

- Mô hình nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp: dồn điền đổi thửa là một chính sách đúng đắn đã mang đến thay đổi tích cực về giá trị môi trường đất nông thôn, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp thâm canh lớn, giúp nông dân đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Thành lập trang trại và vùng chuyên canh lớn, từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô tương ứng với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương, tăng cường kết nối với khu vực đô thị lớn, đô thị trung tâm.

- Mô hình nông thôn theo hướng phát triển du lịch dựa trên những lợi thế có sẵn từ thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử, quỹ công trình kiến trúc có giá trị, từ nông nghiệp đặc trưng tiêu biểu: đối với mô hình này, cần tập trung vào các điều kiện tự nhiên và khu định cư nông thôn có điều kiện tự nhiên ưu việt và quy mô lớn mang tính tập trung. Lợi thế về cảnh quan đặc trưng vùng cùng các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, việc tổ chức các hoạt động văn hoá và xây dựng vùng văn hoá liên kết có nhiều điều kiện để thành công, đồng thời hình thành cơ chế thúc đẩy lẫn nhau cân bằng giữa bảo vệ tài nguyên đặc trưng và phát triển nông thôn. 

- Mô hình phát triển theo hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp đối với các làng nghề: Mỗi một làng nghề thủ công truyền thống là một bảo tàng sống ở nông thôn. Việt Nam vốn là một nước có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp, hiện nay các làng nghề đang được đổi mới mô hình phát triển như mô hình doanh nghiệp tư nhân, mô hình hợp tác xã, mô hình liên kết…

- Mô hình nông thôn ven đô: Đây là khu vực các làng ven đô liền kề đô thị lớn và có quan hệ chặt chẽ về dân cư, kinh tế với khu vực đô thị. Do có lợi thế về vị trí gần đô thị lớn nên những làng ven đô thường có quy mô lớn, độ tập trung dân cư cao. Đây là khu vực nông thôn trong tương lai sẽ phát triển thành đô thị nên yêu cầu đặt ra là bảo tồn/bảo vệ/giữ gìn/phát huy những yếu tố nông thôn và các giá trị văn hóa nào trong lòng đô thị.

- Mô hình nông thôn theo hướng đô thị hóa vệ tinh: Những khu định cư này gần khu vực đô thị lớn hoặc hiện trạng là thị trấn-trung tâm hành chính huyện lỵ. Loại hình định cư nông thôn này có nhiều khả năng chịu ảnh hưởng sức hút từ thành phố lớn. Đây là những khu vực nông thôn vốn có nền tảng phát triển kinh tế rất vững chắc. Là vùng cung cấp các nhu yếu phẩm cho khu vực đô thị nên khu vực này nên thực hiện theo giải pháp đô thị hóa tại chỗ. Có như vậy, mức độ đô thị hóa tổng thể của khu vực có thể được cải thiện và tránh bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng hút từ đô thị lớn.

- Mô hình di dời các cụm phân tán nhỏ lẻ, đặc biệt đối với các khu định cư có môi trường dễ bị tổn thương do thiên tai, biến đổi khí hậu như vùng đồi núi, vùng ven sông, vẹ biển, vùng trũng thấp….để tái định cư, ổn định cuộc sống hoặc có các giải pháp thích ứng an toàn tại chỗ. Những khu vực này thường quy mô nhỏ, thiếu cơ sở hạ tầng, nằm ở xa các điểm dân cư tập trung do đó, cần có giải pháp sắp xếp phù hợp. 

 

Kết luận: Sự hình thành và phát triển các khu định cư nông thôn phụ thuộc vào môi trường tự nhiên và hệ sinh thái nhân văn. Vì vậy, việc xây dựng mô hình định cư cần dựa trên các điều kiện tự nhiên, nền tảng kinh tế-xã hội và lợi thế về vị trí, khoảng cách, quy mô. Trong đó, điều kiện tự nhiên là các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến việc bố trí và phát triển các khu định cư nông thôn và chúng đóng vai trò cơ bản trong việc xác định địa điểm, phân bổ nguồn lực và lựa chọn hướng phát triển của các khu định cư. Hệ sinh thái nhân văn chính là tất cả các yếu tố do con người tạo ra và quản lý. Mỗi miền đất đều có một câu chuyện để kể, những câu chuyện của quá khứ cũng là một lợi thế cho phát triển của các khu định cư nông thôn hôm nay và tương lai

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu: “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao…”18 Các mô hình định cư bền vững trên lấy nông nghiệp làm làm định hướng cạnh tranh, các khu định cư tập trung là cốt lõi đóng vai trò là cực tăng trưởng là phù hợp với chiến lược phát triển nông thôn của Đảng: “Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”18./.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.544.

2. http://ncif.gov.vn

3. https://baodautu.vn/nghich-ly-dong-chay-fdi-vao-nong-nghiep-d134729

4. Nghị quyết số 25/2021/QH15, Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

5. Kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn năm 2012 - VARHS12 – ILSSA

6. Tài liệu của Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020)

7. Sinh thái cảnh quan - Ứng dụng và thực tiễn trong môi trường nhiệt đới gió mùa - Nguyễn An Thịnh

8. Làng Việt - Nguyễn Quang Ngọc

9. UN Habitat - “Multilingual Glossary of Human Settlements Terms” - 1992.

10. Bộ Xây dựng: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2020 của ngành xây dựng, Hà Nội, tháng 12-2019.

11. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

12. Thông cáo báo chí kết quả nghiên cứu chuyên sâu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 - Tổng cục Thống kê

13. Nông dân bỏ ruộng: Lời cảnh báo cho ngành Nông nghiệp Việt Nam - TTTC số 17/2013

14. Nông dân bỏ ruộng-vì sao? - Báo Quân đội nhân dân,19/05/2020.

15. Tài liệu của Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020;

16. Nghị quyết số 25/2021/QH15, Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

17. Báo Nhân Dân điện tử-Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phải có một cuộc cách mạng về tổ chức lại sản xuất.

18. Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022, Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

 

 

 

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (126))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website