Đổi mới công tác quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia

Đổi mới công tác quy hoạch xây dựng nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia

TS. Nguyễn Trung Dũng

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia

 

Tóm tắt:

Công tác Quy hoạch xây dựng (QHXD) nông thôn đã đóng góp quan trọng vào thành tích chung xây dựng nông thôn mới (NTM) nước ta trong giai đoạn vừa qua. Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM thì tiêu chí quy hoạch được xếp đầu tiên (tiêu chí số 01), cho thấy tầm quan trọng của tiêu chí này trong xây dựng NTM. Vấn đề quy hoạch được đặt lên hàng đầu bởi đây là một trong những nội dung cơ bản, bước đi đầu tiên, tạo tiền đề, căn cứ để triển khai các bước tiếp theo và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn xã một cách toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu của Đảng và Chính phủ về xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tính đến thời điểm hiện tại, gần 100% các xã trên toàn quốc đã hoàn thành việc lập Quy hoạch chung xã và đang chuyển sang giai đoạn điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng các yêu cầu xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn sau 2020. Cùng với công tác xây dựng xã NTM, việc xây dựng huyện NTM cũng được đặt ra, trong đó QHXD vùng huyện đóng vai trò quan trọng là tiêu chí số 1 trong các tiêu chí công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai phục vụ yêu cầu xây dựng NTM, công tác QHXD nông thôn đã bộc lộ một số hạn chế bất cập khi chưa đáp ứng hết các yêu cầu quản lý phát sinh trong thực tiễn. Cùng với đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030 và việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã, huyện NTM  và NTM nâng cao giai đoạn 2021-2030, đã đặt ra nhiều định hướng và yêu cầu mới cho công tác QHXD nông thôn. Đó là các căn cứ quan trọng cho yêu cầu đổi mới công tác QHXD nông thôn giai đoạn tới đây.

 

INNOVATION OF THE RURAL CONSTRUCTION PLANNING IN ACCORDANCE WITH THE NATIONAL TARGET PROGRAM

 

The rural construction planning has made an important contribution to the overall achievement of the new rural construction over the period. Among the 19 criteria of the National Criteria Set for the new rural construction, the rural planning criterion is ranked first (the number 01) and shows its importance to the new rural construction. The rural planning issue has come to the forefront because this is one of the basic contents, the first step create a premise and basis for implementing the next steps and orienting to the socio-economic development of localities. Also, it helps to plan the comprehensive spatial development in communes, which meet the requirements of the Party and Government on the construction and development of agriculture, farmers and rural areas.

Up to now, Commune General Plans have been formulated for nearly 100% of communes nationwide and are moving to the planning adjustment phase to meet the requirements of advanced and model new rural construction in the phase after 2020. Along with the new rural commune construction, the new rural district construction has also been set out, its construction planning play an important role as the No. 1 in the criteria for recognizing new rural district standards.

However, after more than 10 years of the implementation of the new rural construction, the rural construction planning has revealed a number of shortcomings because management requirements arising in reality have not been met completely. Along with that, the Resolution No. 19-NQ/TW on June 16, 2022, the 5th Congress of the 13th Party Central Committee on agriculture, farmers, and rural areas up to 2030, vision to 2045, the National Target Program of new rural construction for the period 2021-2030 and the promulgation of the set of national criteria for communes, districts and the advanced new rural construction in the period 2021-2030 have set many new directions and requirements for the rural construction planning. Those are important bases to innovate the rural construction planning in the coming period.

 

 

Đánh giá các tồn tại hạn chế của QHXD nông thôn giai đoạn 2011 đến nay

a) Về công tác tổ chức lập quy hoạch

UBND các tỉnh trên cả nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Với sự nỗ lực các ngành, các cấp, cộng với sự tham gia vào cuộc của nhân dân, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, tỷ lệ hoàn thành công tác lập QHXD xã NTM đã đạt được kết quả cao. Đến nay, trên toàn quốc đã đạt được khoảng 99% các xã có Quy hoạch xã NTM hoặc QHC (QHC) xã được duyệt. Nội dung các đồ án về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

b) Về chất lượng đồ án quy hoạch

         Giai đoạn 2011-2017:

QHXD xã NTM là việc hợp nhất 03 loại hình quy hoạch (QHXD, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất) trong một đồ án QHXD xã NTM (quy hoạch 3 trong 1), nhằm đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong việc lập và quản lý quy hoạch trên địa bàn xã. QHXD xã NTM giai đoạn này là quy hoạch mang tính đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và được triển khai theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT, ngày 28/10/2011. Các quy hoạch xã NTM đã thể hiện được tổ chức cơ cấu phân khu chức năng của quy hoạch theo từng địa phương, định hướng giải pháp tổ chức không gian kiến trúc hệ thống trung tâm xã, hệ thống thôn, xóm, bản, các khu dân cư nông thôn tập trung, khu sản xuất; quy hoạch sản xuất, chăn nuôi tập trung, quy mô từng loại hình sản xuất, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường của từng khu vực.

Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng các đồ án QHXD xã NTM giai đoạn này mới chỉ đáp ứng được yêu cầu là làm cơ sở cho việc xây dựng các Đề án xây dựng xã NTM trong giai đoạn 2011-2015, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài, chất lượng đồ án chưa cao, còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: chưa thể hiện rõ các yêu cầu QHXD NTM theo tinh thần Nghị quyết số 26 NQ/TW, chưa hoạch định rõ hệ thống sản xuất nông nghiệp có quy mô theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển các khu sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng đầu mối phục vụ sản xuất, chưa thể hiện rõ tính đồng bộ trong phát triển hệ thống dân cư nông thôn: trung tâm nông thôn như thị trấn, thị tứ, các điểm dân cư tập trung... Việc lập quy hoạch riêng rẽ từng xã, không có QHXD vùng huyện làm hạn chế đến khả năng định hướng kết nối phát triển các xã..

         Giai đoạn 2017-2022:

Trong bối cảnh các chính sách, chủ trương, các quy hoạch cấp trên; các cơ sở pháp lý lập điều chỉnh QHXD xã NTM đã có nhiều thay đổi; các biến động về thay đổi ranh giới hành chính (Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, xóm).

Các địa phương, nhất là các xã đăng ký đạt chuẩn NTM giai đoạn 2017-2022 đã tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung Đồ án quy hoạch xã NTM để đáp ứng yêu cầu thực tế thực hiện và quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 của Bộ Xây dựng. Các tỉnh, thành phố TW tổ chức lập xây dựng quy hoạch vùng huyện, lập điều chỉnh tổng thể QHC xã và lập các QHCT trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn.

Từ tháng 01/2019, sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, các quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch sản xuất cấp xã bị bãi bỏ, trên địa bàn xã chỉ còn một quy hoạch duy nhất là QHC xã và các QHCT điểm dân cư nông thôn. Các nội dung quy hoạch sử dụng đất và sản xuất đã được đề cập một phần trong QHC xã nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu và tạo ra khoảng trống về nội dung, gây lúng túng trong việc định hướng và tổ chức sản xuất nông nghiệp ở cấp xã.

         Giai đoạn từ 2022 đến nay:

Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 (Bộ tiêu chí về NTM nâng cao) đã bổ sung và làm rõ 19 tiêu chí đối với xã NTM. Đối với tiêu chí xã NTM nâng cao, bên cạnh các tiêu chí chung, nhiều nội dung tiêu chí đã ủy quyền cho UBND các tỉnh, tùy điều kiện thực tế của địa phương để đưa ra các quy định cụ thể phù hợp để đảm bảo tính linh hoạt và thực tiễn. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho các đồ án QHXD phải bám sát hơn với tình hình thực tiễn và tùy theo mức độ phát triển, tính chất, đặc điểm vùng miền để đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng xã.

Giai đoạn hiện nay, các xã trên cả nước đang tiến hành rà soát, điều chỉnh QHXD nông thôn để phù hợp với Thông tư 04/2022/TT-BXD và Bộ tiêu chí về NTM nâng cao cũng như bổ sung các QHCT điểm dân cư nông thôn.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý không gian kiến trúc cảnh quan nông thôn theo Luật Kiến trúc, hiện các xã cũng đang tiến hành xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai các quy chế này hiện còn rất hạn chế do đa số các điểm dân cư nông thôn chưa được lập QHCT.

            c) Về trình tự lập quy hoạch

         Đối với các xã trực thuộc huyện

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 28 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 “QHXD vùng liên huyện, QHXD vùng huyện được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch nông thôn và dự án đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật liên huyện, huyện". Tuy nhiên, trên thực tế để đáp ứng tiêu chí được công nhận xã đạt chuẩn NTM, đa số các xã trên cả nước đã được tiến hành lập QHCXD xã trước khi có QHXD vùng huyện được duyệt, do vậy là chưa đảm bảo về trình tự các bước trong lập QHXD. Thực tế này cũng là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tính liên kết vùng, liên kết phát triển trong các đồ án QHC xã hiện nay.

         Đối với các xã nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển đô thị

            Đối với các xã nằm hoàn toàn trong phạm vi quy hoạch mở rộng nội đô đô thị hiện hữu hoặc đô thị mới thì việc lập QHC xã là không còn cần thiết trên thực tế. Tuy nhiên, để đảm bảo tiêu chí xã NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia, thì các xã này cần có QHC xã được duyệt. Tồn tại này gây nhiều vướng mắc cho công tác lập QHXD nông thôn giai đoạn vừa qua.

            Hiện nay, tại điều 31 khoản 2, Thông tư 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022, đã quy định: “Các huyện thuộc QHC đô thị đối với thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt và các xã thuộc QHC đô thị đã được phê duyệt thì được xác định đã đảm bảo tiêu chí quy hoạch để xem xét, đánh giá công nhận huyện NTM và xã NTM”. Thông tư 04 đã gỡ vướng mắc nêu trên. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp các huyện, xã công nhận đạt chuẩn tiêu chí xã NTM mà không làm rõ là có được áp dụng đối với việc công nhận đảm bảo tiêu chí huyện, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 hay không? Bộ tiêu chí về NTM nâng cao vẫn quy định rõ các xã cần có QHCXD xã được duyệt là điều kiện để đáp ứng Tiêu chí 1 về Quy hoạch.

            - Đối với các xã còn lại thì cần làm rõ quy trình và mối tương quan giữa QHC xã với các đồ án QHPK đô thị.

            d) Một số tồn tại về nội dung QHXD nông thôn

         QHC xây dựng xã

         Nội dung của QHXD xã hiện còn chưa đáp ứng theo định hướng lớn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, định hướng của TW về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2030, tầm nhìn 2040.

            Các vấn đề cần được bổ sung và làm rõ trong đồ án QHC xã như:

- Xây dựng NTM gắn với định hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa: Đây là định hướng quan trọng được thể hiện xuyên xuốt trong nhiều văn bản định hướng chiến lược về xây dựng nông thôn của Đảng và Chính phủ. Tuy nhiên, để định hướng này thẩm thấu vào trong công tác QHXD nông thôn thì cần được cụ thể hóa thông qua các tiêu chí, giải pháp và chỉ tiêu QHXD cụ thể để triển khai áp dụng.

- Phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH: Nội dung phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH đã được lồng ghép trong nội dung QHXD nông thôn (Thông tư 04/2022/TT-BXD). Tuy nhiên, mới chỉ dừng ở yêu cầu phân tích đánh giá các tác động mà chưa yêu cầu đưa ra và cụ thể hóa các giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH thông qua các giải pháp về quy hoạch.

         Một số nội dung của đồ án QHC xã hiện nay còn chưa đáp ứng theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, cần được cập nhật bổ sung như:

- Quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn (Bộ tiêu chí xã NTM, tiêu chí Quy hoạch mục 1.1): Đã bổ sung trong Thông tư 04/2022/TT-BXD, nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết để triển khai.

- Quy chế quản lý và tổ chức thực hiện QHXD và quản lý xây dựng theo quy hoạch (Bộ tiêu chí xã NTM, tiêu chí Quy hoạch mục 1.2).

         Vấn đề liên kết vùng và kết nối phát triển

         Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp

            Nội dung quy hoạch sản xuất trong đồ án QHC xã hiện nay còn khá đơn giản, chưa thay thế được Quy hoạch sản xuất nông nghiệp cấp xã trước đây. Do vậy, cần bổ sung làm rõ các vấn đề về quy hoạch sản xuất liên quan đến phân bổ cơ cấu đất đai, bố trí hạ tầng phục vụ sản xuất, trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phân vùng sản xuất thích ứng với BĐKH, các giải pháp ứng dụng KHCN…

         Quy hoạch chi tiết (QHCT) xây dựng điểm dân cư nông thôn

         QHCT điểm dân cư nông thôn còn chưa đáp ứng một số nội dung tiêu chí xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 như:

- QHCT xây dựng trung tâm xã hoặc QHCT xây dựng điểm dân cư mới phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch cấp trên (Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, tiêu chí Quy hoạch mục 1.3).

            - Quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan nông thôn: Các quy định về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan nông thôn trong QHCT còn khá chung chung và khó triển khai thực hiện.

            - Quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng: Các dự án đầu tư xây dựng tại phạm vi các xã như: khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, khu sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đang gặp vướng mắc do chưa có quy định về việc lập các QHCT. Mặc khác, Theo quy định của Luật Đầu tư hiện hành: Việc thẩm định các dự án đầu tư phải dựa trên đánh giá sự phù hợp với các định hướng của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, QHXD nông thôn không được quy định là căn cứ cho lập và thẩm định các dự án đầu tư.

            e) Công tác quản lý thực hiện QHXD nông thôn

Trong thời gian qua, công tác QHXD nông thôn được triển khai đồng bộ và rộng khắp đã đáp ứng yêu cầu xây dựng tiêu chí xây dựng xã NTM và NTM nâng cao và quản lý công tác đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Tuy nhiên, công tác quản lý việc triển khai thực hiện theo quy hoạch còn rất hạn chế, do các nguyên nhân sau:

            - Do hạn chế về nguồn lực đầu tư từ ngân sách nên số lượng các đồ án QHCT điểm dân cư nông thôn được thực hiện khá ít do thiếu nguồn lực khiến cho công tác quản lý xây dựng và quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan gặp nhiều khó khăn.

            - Quản lý kiến trúc, cảnh quan: Quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan điểm dân cư nông thôn triển khai còn vướng mắc và thiếu ngồn lực thực hiện. Việc cho Luật Xây dựng (Điều 89. Quy định chung về cấp giấy phép xây dựng) cho phép không cần cấp phép xây dựng đối với các công trình nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng tại nông thôn tại các khu vực không nằm trong phạm vi quy hoạch ít nhiều gây ra khó khăn trong công tác quản lý xây dựng và quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan nông thôn.

- Các công cụ quản lý QHXD ở nông thôn còn thiếu và chưa hiệu quả. Các công cụ để quản lý QHXDNT hiện nay như: quy định quản lý kèm theo đồ án quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan điểm dân cư nông thôn còn chồng chéo về nội dung và thiếu thống nhất do phân theo cấp độ quy hoạch. Chất lượng nghiên cứu các quy định, quy chế cũng còn nhiều điểm hạn chế như nội dung còn chung chung giống như trong thuyết minh của đồ án quy hoạch, thiếu các minh họa bằng hình vẽ, bảng biểu, tờ rơi… để dễ phổ biến cho nhân dân.

            Các quy định về công tác quản lý triển khai thực hiện theo quy hoạch còn khá mờ nhạt. Phân công trách nhiệm thực hiện hiệu quả, sự tham gia của cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương còn hình thức và chưa đạt hiệu quả thực tế; thiếu hướng dẫn cụ thể về công tác điều chỉnh cục bộ đối với QHXDNT.

Nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai quy hoạch còn thiếu khung pháp lý hoặc hướng dẫn cụ thể như các vấn đề quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu chức năng hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các đô thị làng quê… cũng gây ra khó khăn cho công tác triển khai thực hiện quy hoạch.

Yêu cầu đổi mới QHXD nông thôn

            1. Xây dựng NTM gắn với định hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa

Đây là một định hướng được khẳng định nhiều lần trong các chủ trương, chính sách của Trung ương về xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và cũng là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn phát triển nông thôn và đô thị nước ta. QHXD nông thôn không những là nhằm định hướng phát triển khu vực nông thôn mà còn là tiền đề cho quá trình phát triển đô thị sau này. Do vậy, một số yêu cầu mới đặt ra cho công tác QHXD nông thôn gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa cần được xem xét như:

         Dự báo trước những vấn đề đô thị hóa, công nghiệp hóa có tác động đến khu vực nông thôn để có biện pháp thích ứng và khai thác các cơ hội phát triển mới;

         Xây dựng lộ trình, giai đoạn thực hiện QHXD nông thôn phù hợp với định hướng đô thị hóa nhằm tiết kiệm thời gian, nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng.

         Khai thác các lợi thể của khu vực đô thị, khu vực ven đô để hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn xung quanh như: Thúc đẩy quá trình đô thị hóa, chuyển đổi nông thôn-đô thị một cách bền vững; Hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển nông thôn để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức phân phối sản phẩm, xây dựng thương hiệu…

            2. Tăng cường kết nối đô thị-nông thôn

            Vai trò của không gian nông thôn đối với đô thị là rõ ràng và không thể phủ nhận. Nông thôn không chỉ là nguồn cung cấp quỹ đất phát triển, lương thực, thực phẩm mà còn là nguồn cung cấp nhân lực, chia sẻ không gian cảnh quan, sinh thái, văn hóa, tâm linh… và làm cân bằng lại các tác động tiêu cực cũng như những hạn chế của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị.

            Tại nước ta, các nghị quyết TW, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 cũng đề cập nhiều đến vấn đề tăng cường kết nối đô thị-nông thôn, lấy đô thị hóa bền vững để tạo ra động lực và cơ hội hỗ trợ xây dựng, phát triển nông thôn.

            Việc tăng cường liên kết đô thị-nông thôn cần được cụ thể hóa thông qua các quy hoạch đô thị và QHXD nông thôn trên các khía cạnh sau:

            + Kết nối về hạ tầng và dịch vụ công cộng

            + Kết nối không gian cảnh quan, sinh thái, văn hóa

            + Kết nối kinh tế: hợp tác, chia sẻ đất đai, tài nguyên, vốn, lao động, việc làm, phân phối sản phẩm.

            + Kết nối khoa học công nghệ: chuyển giao kỹ thuật, KHCN, nghiên cứu, đào tạo…

            Các kết nối này cần được cụ thể hóa thông qua các giải pháp quy hoạch không gian, sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật-xã hội.

            3. Quản lý phát triển tổng hợp khu vực nông thôn

            Theo hệ thống quy hoạch quốc gia hiện hành, QHC xã là bản quy hoạch tổng thể duy nhất trên địa bàn cấp xã. Mặc dù một số nội dung quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất đã được bổ sung vào nội dung QHC xã nhưng còn ở mức độ đơn giản và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý và hiệu quả triển khai thực hiện còn hạn chế. Bên cạnh đó, rất nhiều các vấn đề phát triển nông thôn còn chưa được quan tâm thích đáng như vấn đề: chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, liên kết phát triển kinh tế, bảo tồn di sản, quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan truyền thống, phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH…

            Do vậy, yêu cầu mới đặt ra đối với QHC xã hiện nay, đó là QHC xã không chỉ đáp ứng yêu cầu về quản lý phát triển không gian, hạ tầng mà còn phải là một bản quy hoạch tích hợp đáp ứng các yêu cầu quản lý tổng hợp trên địa bàn nông thôn.

            4. Phòng chống thiên tai và thích ứng với Biến đổi khí hậu

            Do đặc thù địa hình, khí hậu, nông thôn nước ta thường nằm trong các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của thiên tai và BĐKH, tại nhiều địa phương trên cả nước, các thành quả nhiều năm xây dựng NTM có thể bị xóa bỏ trước những tác động tiêu cực này. Do vậy, việc tích hợp các yêu cầu phòng chống thiên tai và thích ứng BĐKH trong QHXD đã được đặt ra một cách hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, các nội dung và giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH thể hiện trong QHXD nông thôn chỉ thể hiện chung chung, mờ nhạt trong nội dung phân tích và đánh giá hiện trạng tổng hợp. Phần định hướng phát triển không gian, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, môi trường chưa đề cập đến vấn đề này. Do vậy, cần bổ sung, làm rõ trong QHXD nông thôn các nội dung sau:

            + Làm rõ và cụ thể hóa các định hướng về phòng chống, giảm thiểu tác động của thiên tai trong giải pháp QHXD, đặc biệt là đối với các xã nằm trong khu vực chịu tác động thường xuyên của thiên tai: bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán…

            + Coi hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng BĐKH là một loại hạ tầng kỹ thuật-xã hội bắt buộc trong nội dung QHXD nông thôn.

            5. Quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn

            Trước các ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp, không gian kiến trúc, cảnh quan nông thôn nước ta đang biến đổi nhanh chóng và đánh mất dần đi bản sắc nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực ven các đô thị, khu công nghiệp lớn. Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc-cảnh quan đặc thù riêng đối với các xã ven đô phù hợp với định hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa và bảo tồn phát huy các giá trị di sản kiến trúc, cảnh quan nông thôn truyền thống có giá trị.

            6. Bổ sung, hoàn thiện pháp luật về QHXD nông thôn đối với một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn

         Quy định rõ về vấn đề điều chỉnh cục bộ QHXD nông thôn:

            Điều chỉnh cục bộ trong quy hoạch đô thị là một vấn đề khá phổ biến, tuy nhiên đối với QHXD nông thôn, đây là một nội dung mà trong các văn bản pháp luật quy định còn chung chung giống với điều chỉnh QHĐT. Trên thực tế, yêu cầu tiến hành điều chỉnh cục bộ đối với QHXD nông thôn hiện nay khá cấp thiết để đáp ứng các yêu cầu như:

            + Điều chỉnh vị trí, quy mô sử dụng đất các công trình thiết chế văn hóa, công trình phục vụ xây dựng NTM như nhà văn hóa xã, thôn, thư viện, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu sân chơi thể dục, thể thao…

            + Thu hút đầu tư vào khu vực nông thôn, cụ thể là đối với các dự án trên địa bàn cấp xã như: Trung tâm thương mại dịch vụ; khu sản xuất kết hợp du lịch sinh thái; khu sản xuất, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao…

            Nếu quy trình, thủ tục điều chỉnh cục bộ QHXD nông thôn cũng áp dụng theo quy trình của Quy hoạch đô thị thì sẽ gây lãng phí về thời gian, tốn kém nguồn lực không cần thiết. Vì vây, việc điều chỉnh QHXD nông thôn cần có các quy định riêng phù hợp với điều kiện phát triển ở nông thôn theo hướng đơn giản hóa hơn về điều kiện và thủ tục hành chính so với điều chỉnh QHĐT và việc điều chỉnh cục bộ QHXD nông thôn có thể phân cấp một phần cho chính quyền cấp xã.

         Điều chỉnh Tiêu chí xây dựng NTM và NTM nâng cao đối với các xã nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển đô thị

            Do việc lập và điều chỉnh QHC đối với các xã nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển đô thị hoặc dự kiến sáp nhập, thay đổi đơn vị hành chính (để trở thành phường, quận, thị trấn, thị xã, đô thị mới) là không còn cần thiết nên cần quy định rõ tiêu chí quy hoạch trong bộ tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 đối với các xã nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển đô thị. Cụ thể là xác định rõ các quy hoạch nào sẽ thay thế cho QHC xã trong tiêu chí Quy hoạch của Bộ tiêu chí về NTM nâng cao.

         Bổ sung hướng dẫn về quy hoạch Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và các khu chức năng nông thôn khác

            Quy hoạch Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn là một yêu cầu được đặt ra trong tiêu chí số 1 về Quy hoạch của Bộ tiêu chí về NTM nâng cao. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai tiêu chí này còn vướng mắc do chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về QHXD về chức năng, quy mô, chỉ tiêu sử dụng đất, các loại hình công trình được phép xây dựng…

            Bên cạnh đó, một số loại hình cụm công trình sản xuất nông nghiệp khác như Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nuôi trồng, khu chế biến nông, lâm, thủy hải sản; khu sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch dịch vụ… ở cấp xã hiện chưa có các quy định cụ thể về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc cũng như trình tự tiến hành lập dự án đầu tư, xây dựng…

 

Đề xuất đổi mới QHXD nông thôn

            1. Đổi mới phương pháp tiếp cận QHXD nông thôn

         Tiếp cận QHXD nông thôn theo phương pháp tích hợp liên ngành

Đối với QHXD nông thôn, tiếp cận quy hoạch theo hướng tiếp cận tích hợp liên ngành vừa là yêu cầu về mặt khoa học vừa là yêu cầu thực tiễn. Sau khi Luật Quy hoạch ra đời, các đồ án QHXD nông thôn hiện nay không chỉ đơn thuần là đồ án quy hoạch ngành mà còn được đặt lên nhiều trọng trách định hướng phát triển toàn diện trên địa bàn nông thôn, từ quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan cho đến tổ chức sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp, liên kết phát triển, bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH…

         Tiếp cận QHXD nông thôn theo định hướng phát triển bền vững

            QHXD nông thôn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển bền vững các vùng lãnh thổ rộng lớn tại nông thôn. Các nội dung phát triển bền vững cần được nghiên cứu trong QHXD nông thôn như:

            + Tiết kiệm tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là đất nông nghiệp và tự nhiên.

            + Bảo vệ môi trường, không gian cảnh quan, sinh thái tự nhiên trước các tác động của phát triển công nghiệp, đô thị hóa và BĐKH.

            + Bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

         QHXD nông thôn có sự tham gia của các bên liên quan

Sự tham gia của của cộng đồng và các bên trong quy hoạch nói chung và QHXD nông thôn nói riêng tại nước ta còn nhiều hạn chế và chưa hiệu quả một phần do mức độ khó nắm bắt của nội dung QHXD như một chuyên ngành kỹ thuật tổng hợp, phức tạp, một phần do hình thức tham gia chưa phù hợp với trình độ và văn hóa của người nông dân. Để khắc phục hạn chế này, một mặt cần tiếp tục hoàn thiện các thể chế về sự tham gia của cộng đồng trong công tác lập và thực hiện theo quy hoạch, mặt khác cần đổi mới nội dung tham gia theo hướng đơn giản hóa về quy trình, hình thức và nội dung.

2. Đổi mới hệ thống QHXD nông thôn

         Đề xuất đưa QHXD vùng huyện vào hệ thống QHXD nông thôn

            QHXD vùng huyện có vai trò định hướng phát triển mạng lưới đô thị và các xã trong phạm vi ranh giới hành chính của huyện. QHXD vùng huyện còn được xác định là quy hoạch cấp trên trực tiếp làm cơ sở để lập các QHC xã trực thuộc, có vai trò quan trọng trong việc định hướng kết nối phát triển các xã, các thị trấn hạn chế tình trạng lập quy hoạch các xã trong cùng huyện một cách tương đối độc lập, thiếu gắn kết như trong giai đoạn trước đây, phù hợp với việc công nhận huyện đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao, phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

         Đề xuất bổ sung QHCT Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và các khu chức năng nông thôn khác

            Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn được kỳ vọng sẽ là một mô hình phổ biến với các dịch vụ đa dạng, tổng hợp để hỗ trợ hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế trên địa bàn cấp huyện, xã.            Để đáp ứng yêu cầu này, cần bổ sung thêm loại hình QHCT Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn cấp xã hoặc liên xã trong hệ thống QHXD nông thôn để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, bố trí đất đai, nguồn lực để đầu tư xây dựng.

            Bên cạnh khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, còn một số loại hình khu chức năng nông thôn khác đang cần có hướng dẫn thực hiện như Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (SXUDCNC), các khu sản xuất kết hợp du lịch dịch vụ, khu trung tâm cụm xã, các mô hình khu đô thị làng quê…

 

 

 

Hình 1: Hệ thống QHXD nông thôn đề xuất

 

 

3. Cụ thể hóa trình tự QHXD nông thôn theo phân loại xã

            - Phân loại xã theo địa giới hành chính và phạm vi ảnh hưởng của quy hoạch phát triển đô thị để làm cơ sở quy định trình tự lập quy hoạch cụ thể đối với xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc TW, xã nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển đô thị.

 

 

 

Hình 2: Phân loại xã theo địa giới hành chính

 

 

 

 

 

            Hình 3: Phân loại xã theo phạm vi ảnh hưởng bởi quy hoạch phát triển đô thị

 

- Về trình tự lập quy hoạch cụ thể:

Đối với các xã có toàn bộ địa giới được quy hoạch trở thành đô thị thì việc lập hoặc điều chỉnh QHC xã là không còn cần thiết, công tác quản lý xây dựng và đầu tư được căn cứ theo định hướng của QHĐT. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ, các xã này vẫn có nhu cầu được công nhận đạt chuẩn NTM, việc xác định đạt tiêu chí Quy hoạch trong Bộ tiêu chí về NTM nâng cao đối với các xã này sẽ căn cứ theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ Xây dựng.

            Đối với các xã không nằm trong phạm vi quy hoạch phát triển đô thị, trình tự lập quy hoạch được quy định rõ cho các trường hợp như sau:

 

 

Hình 4: Trình tự lập QHXD nông thôn đối với các xã thuộc tỉnh

 

 

 

Hình 5: Trình tự lập QHXD nông thôn đối với các xã thuộc thành phố TW

 

- Lấy ý kiến quy hoạch:

            Cần quy định cụ thể hơn về phạm vi, đối tượng, hình thức phù hợp với điều kiện nông thôn, giảm bớt thủ tục, quy trình đối với lấy ý kiến Nhiệm vụ quy hoạch.

 

            4. Đổi mới nội dung QHXD nông thôn

         QHXD vùng huyện

            Một số nội dung cần bổ sung trong QHXD vùng huyện để đáp ứng tiêu chí quốc gia về huyện NTM và huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 theo quyết định 320/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022, cụ thể như:

            - Yêu cầu Quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn là yêu cầu mới, do vậy, cần cập nhật và bổ sung vào nội dung QHXD vùng huyện đối với huyện dự kiến phấn đấu trở thành huyện NTM và NTM nâng cao.

- Nội dung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp:

            + Định hướng tổ chức các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp.

            + Định hướng tổ chức khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn. 

            + Định hướng tổ chức hạ tầng kỹ thuật khung phục vụ sản xuất.

            - Nội dung xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa:

            + Định hướng tổ chức hệ thống các đô thị nhỏ, thị tứ, điểm dân cư tập trung hoặc cụm dân cư và cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ dân cư nông thôn theo hướng ĐHT tại chỗ;

            + Giải pháp kết nối phát triển các xã trực thuộc.

            + Giải pháp kết đô thị-nông thôn thông qua kết nối hạ tầng, cảnh quan sinh thái, văn hóa, kinh tế, khoa học công nghệ.

            - Nội dung phòng chống thiên tai và thích ứng BĐKH: Bố trí hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai và BĐKH

             - Nội dung quản lý không gian kiến trúc cảnh quan; bảo tồn di sản văn hóa, kiến trúc truyền thống đối với các khu vực có mức độ đô thị hóa cao.

         QHC xã

- Phân tích đánh giá hiện trạng: phân tích đánh giá đầy đủ điều kiện địa lý, khí hậu và nguồn tài nguyên tự nhiên nhằm xác định các cơ sở để một điểm dân cư nông thôn tồn tại lâu dài.

- Phân tích và dự báo phát triển kinh tế - xã hội: chính xác, đồng bộ, cập nhật góp phần phân tích đánh giá các xu hướng, động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là xu hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa, liên kết vùng, tình hình đời sống xã hội và diễn biến dân số nhằm cụ thể hóa các nhu cầu phát triển không gian mà QHXD nông thôn cần đáp ứng.

- Quy hoạch sử dụng đất: cân đối đất đai và cơ sở vật chất cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

- Định hướng quy hoạch khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn đối với xã dự kiến phấn đấu trở thành xã NTM và NTM nâng cao.

- Giải pháp kiến trúc nhà ở, công trình công cộng thích ứng với thiên tai và BĐKH, giữ gìn bản sắc kiến trúc truyền thống.

- Giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị các công trình di sản, không gian cảnh quan nông thôn đặc trưng vùng miền.

- Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: bố trí đủ và hợp lý cho các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và đi lại của người dân cũng như với các địa bàn khác trong vùng.

- Chuẩn bị kỹ thuật: Quy hoạch cốt xây dựng thích ứng với thiên tai và BĐKH.

- Bổ sung Quy hoạch hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH với các nội dung sau:

+ Bố trí Hệ thống công trình dân sinh phòng chống thiên tai: Nhà trú tránh cộng đồng, bể chứa nước sạch, kho dự trữ lương thực, thiết bị y tế, thiết bị cứu hộ phòng chống thiên tai;

+ Bố trí không gian mở phục vụ cứu hộ, cứu nạn tại chỗ trong trường hợp thiên tai, thảm họa;

+ Hệ thống các công trình ngăn ngập, chắn sóng, ngăn sạt lở…

+ Hệ thống rừng phòng hộ chắn gió, cát, chắn sóng…

+ Bố trí hệ thống cảnh báo sớm thiên tai.

+ Hướng dẫn xây dựng nhà và công trình công cộng, hạ tầng trong khu vực có thiên tai, tác động thường xuyên của BĐKH.

- Giải pháp bảo vệ môi trường: Đề xuất cụ thể giải pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải sản xuất và sinh hoạt. Bên cạnh đó là các vấn đề đảm bảo vệ sinh công cộng, đảm bảo yếu tố văn minh, đánh giá tác động môi trường.

- Quy chế quản lý kèm theo đồ án QHC, trong đó, đưa ra cơ chế chính sách phát triển kèm theo các hướng dẫn quản lý cụ thể cũng như các công bố quy hoạch, cắm mốc chỉ giới quy hoạch, cấp phép xây dựng…

 

 

Hình 6: Minh họa về hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng BĐKH cấp xã  

 

 

 

Hình 7: Nguyên lý tổ chức không gian mở cứu hộ, cứu nạn tại khu dân cư khi có thiên tai, thảm họa Nguồn: Jie Gong, Evaluating the Evacuation and Rescue Capabilities of Urban Open Space from a Land Use Perspective: A Case Study in Wuhan, China.

         QHCT xây dựng nông thôn

            - QHCT khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và khu chức năng khác trên địa bàn xã

            Bên cạnh QHCT khu trung tâm xã là loại hình QHCT đã được triển khai phổ biến tại các xã trên cả nước, QHCT khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và khu chức năng khác là loại hình QHCT hoàn toàn mới, do vậy cần có hướng dẫn cụ thể hơn bên cạnh khung hướng dẫn chung của Thông tư 04/2022.

            Nhóm nghiên cứu đề xuất bổ sung, hoàn thiện thêm về chức năng, cụ thể hóa về tổ chức không gian, hạ tầng kỹ thuật, chỉ tiêu về QHXD như sau:

            1. Mục tiêu quy hoạch

            - Hình thành một trung tâm dịch vụ tổng hợp, thống nhất nhằm hỗ trợ hiệu quả, đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã hoặc liên xã.

            - Thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tăng cường liên kết đô thị và nông thôn.

            2. Lựa chọn vị trí quy hoạch

            Trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông thôn quy hoạch gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung (thuận tiện về giao thông, về đất xây dựng và hệ thống hạ tâng kỹ thuật điện, nước...), đảm bảo phục vụ cho xã hoặc tiểu vùng liên xã trong huyện nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.

            3. Chức năng

            Theo Hướng dẫn Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp giai đoạn 2021-2025 (Công văn 2307/BXD-QHKT Ngày 27/6/2022 của Bộ Xây dựng).

Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn gồm/hoặc các chức năng:

- Sản xuất công nghiệp (chủ yếu là chế tạo nông cụ, công nghiệp chế biến gắn với các vùng sản xuất chuyên canh).

- Thương mại (chuyên doanh bán buôn nông sản và vật tư nông nghiệp, chế biến bảo quản, kho bãi).

- Dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các lĩnh vực (khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng, chuyển đổi số), dịch vụ thị trường (phân tích, dự báo thị trường; thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng; bảo hiểm rủi ro, phòng chống thiên tai; bảo vệ môi trường).

            Kiến nghị bổ sung thêm các chức năng sau:

            - Hỗ trợ đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông sản, chuỗi sản phẩm khép kín từ đồng ruộng đến thị trường.

            - Hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp.

            - Đào tạo nhân lực chất lượng cao làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp.

            - Xác định mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của từng xã, tiến hành sản xuất mẫu, nuôi trồng thử nghiệm trước khi áp dụng nhân rộng.

            - Hỗ trợ về tiếp cận vốn, xúc tiến đầu tư…

            4. Quy mô quy hoạch

            - Quy mô sủ dụng đất: tùy thuộc vào mô hình chức năng lựa chọn, cấp xã hoặc liên xã và khả năng đáp ứng quỹ đất.

            5. Tổ chức không gian

            Trung tâm được bố trí theo dạng mô đun để đáp ứng linh hoạt nhu cầu và điều kiện của các xã về năng lực đầu tư, quy mô quỹ đất:

1.         Khu dịch vụ tổng hợp

2.         Khu nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật

3.         Khu vực vực sản xuất mẫu, nuôi trồng thử nghiệm

4.         Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp

5.         Kho bãi tập kết, bảo quản sản phẩm nông sản

 

 

 

Hình 8: Minh họa quy hoạch Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn

 

Đề xuất một số nội dung đưa vào Dự luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

a. Bổ sung và làm rõ khái niệm “Ranh giới quy hoạch đô thị” và “Ranh giới quy hoạch xây dựng nông thôn”

b. Bổ sung QHXD vùng huyện vào hệ thống QHXD nông thôn

c. Quy định cụ thể về trình tự lập QHXD nông thôn theo phân loại xã theo đơn vị hành chính trực thuộc, phạm vi quy hoạch phát triển đô thị.

d. Quy định rõ phạm vi, hình thức lấy ý kiến đối với các đồ án QHXD nông thôn; bỏ yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ QHCT đối với các khu chức năng nông thôn.

e. Bổ sung yêu cầu nội dung các đồ án QHXD nông thôn.

- Đối với QHXD vùng huyện

Bổ sung các yêu cầu nội dung sau:

            + Giải pháp kết nối phát triển giữa các xã, thị trấn trong huyện .

            + Định hướng quy hoạch Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và các khu chức năng nông thôn khác.

            + Giải pháp tổ chức phân vùng sản xuất.

            + Giải pháp bảo vệ và khai thác giá trị hệ thống di sản văn hóa-lịch sử-kiến trúc, danh lam thắng cảnh, cảnh quan truyền thống có giá trị.

            + Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH cấp huyện.

- Đối với QHCXD xã

Bổ sung các yêu cầu nội dung sau:

            + Định hướng giải pháp quy hoạch Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và các khu chức năng nông thôn khác (nếu có).

            + Giải pháp kết nối các khu vực dân cư hiện hữu và phát triển mới.

            + Giải pháp tổ chức phân vùng sản xuất nông nghiệp.

            + Định hướng bảo tồn và khai thác giá trị hệ thống di sản văn hóa-lịch sử-kiến trúc, danh lam thắng cảnh, cảnh quan truyền thống có giá trị trên địa bàn.

            + Bố trí hệ thống hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH cấp xã.

- Đối với QHCT nông thôn

            + Bổ sung các nội dung bố trí công trình phòng chống thiên tai, thích ứng BĐKH.

            + Bổ sung quy định Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể đối với các đồ án QHCT thôn, bản, ấp và QHCT Khu chức năng dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn và các QHCT khu chức năng nông thôn khác.

f. Bổ sung quy định về quản lý thực hiện QHXD nông thôn

            - Phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan quản lý QHXD nông thôn từ cấp tỉnh đến xã trong việc triển khai thực hiện quy hoạch.

            - Bổ sung yêu cầu lập:

            + Chương trình thực hiện QHC xây dựng xã: cụ thể hóa các nội dung công việc, các dự án ưu tiên đầu tư, lộ trình thực hiện, phân bổ nguồn kinh phí, tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm triển khai thực hiện quy hoạch.

            + Báo cáo rà soát đánh giá thực hiện QHC xây dựng xã: yêu cầu UBND xã có trách nhiệm lập Báo cáo rà soát đánh giá hàng năm tình hình triển khai thực hiện theo QHC xã được duyệt trình UBND cấp trên.

            - Hướng dẫn chi tiết về lập Quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan điểm dân cư nông thôn.

 

----------

Tài liệu tham khảo

1.         Đàm Quang Tuấn (2020), Định hướng QHXD xã NTM ven đô phù hợp với định hướng đô thị hóa nhằm tiết kiệm nguồn lực đầu tư, Kỷ yếu Hội thảo Giải pháp quy hoạch xã NTM ven đô nhằm tăng cường kết nối đô thị-nông thôn. Hà Nội.

2.         Đề án “Xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020”. Bộ Xây dựng, 2017.

3.         Kinh nghiệm quốc tế về quản lý QHXD và phát triển nông thôn ven đô, https://tapchixaydung.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-quan-ly-quy-hoach-xay-dung-va-phat-trien-nong-thon-ven-do--20201224000014450.html.

4.         Lê Thị Bích Thuận (2021) Nghiên cứu định hướng và giải pháp quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ven đô nhằm tăng cường liên kết đô thị-nông thôn- đề tài cấp nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.2021.

5.         Lã Hồng Sơn (2023), Quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan các huyện ngoại thành thành phố Hà Nội-Thực trạng và giải pháp, đề tài cấp thành phố 2023.

6.         Lưu Đức Cường (2020), Hướng dẫn quy hoạch đô thị, điểm dân cư nông thôn trong khu vực chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét và trượt lở đất vùng trung du miền núi phía Bắc, đề tài cấp Bộ. VIUP.2020.

7.         Lưu Đức Minh (2018), Xây dựng hướng dẫn lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào quy trình quy hoạch xây dựng, đề tài cấp bộ. VIUP. 2018.

8.         Phạm Thị Nhâm (2020) Tổng quan về khu vực ven đô các thành phố lớn trong quá trình đô thị hóa nhanh, https://www.viup.vn/vn/QHXD-va-quan-ly-phat-trien-vung-ven-do-n132-Tong-quan-ve-khu-vuc-ven-do-cac-thanh-pho-lon-trong-qua-trinh-do-thi-hoa-nhanh-d13528.html

9.         Tạ Hoàng Vân (2021), Kinh nghiệm quốc tế về quản lý quy hoạch xây dựng và phát triển nông thôn ven đô, https://tapchixaydung.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-quan-ly-quy-hoach-xay-dung-va-phat-trien-nong-thon-ven-do--20201224000014450.html

10.       Vũ Hồng Sơn (2019), Đề xuất mô hình quy hoạch xây dựng trung tâm hỗ trợ sản xuất nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Viện Quy hoạch xây dựng phát triển nông thôn, VIUP. 2019.

 

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (126))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website