NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH VÙNG HUYỆN
PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
QUALITY IMPROVEMENT OF DISTRICT REGIONAL PLANNING
FOR SOCIO- ECONOMIC DEVELOPMENT
TS.KTS. Lê Xuân Hùng
Phó trưởng bộ môn Quy hoạch Đô thị & Nông thôn
Khoa Quy hoạch Đô thị & Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Tóm tắt
Thực tiễn hiện nay, việc lập quy hoạch vùng huyện đang chịu áp lực từ các yêu cầu cấp thiết theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Chính vì vậy, một đồ án quy hoạch vùng huyện thường được thực hiện vượt quá nội dung luật định và mang tính đặc thù của từng địa điểm quy hoạch. Công tác lập quy hoạch gần như can thiệp và bao trùm mọi lĩnh vực phát triển đối với vùng huyện, ngày càng đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội huyện, là một “công cụ quản lý” trực quan và hiệu quả. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu lập quy hoạch vùng huyện chưa phát huy một cách triệt để vai trò quan trọng như trên. Do đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch vùng huyện, những tồn tại về “tính tích hợp”, “tính tổng hợp liên ngành”, “tính ứng dụng công nghệ” cần được khắc phục.
Từ khoá: Quy hoạch huyện, Quy hoạch tích hợp, Phát triển nông thôn
In current practice, District regional planning is under pressure from urgent requirements according to national target programs. Therefore, district regional planning projects are often implemented beyond the legal content and are specific to the planning location. Planning almost intervenes and covers all field of development for the district region, playing an increasingly important role in the district's socio-economic development, and is an effective "management tool". However, the research and planning of district region has not fully promoted the above important role. Therefore, in order to improve the quality of district planning, the shortcomings of "integration", "interdisciplinary synthesis", "technology application" need to be overcome.
Keywords: District regional planning, Integrated planning, Rural development.
Theo Luật Xây dựng (2014), và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, công tác nghiên cứu quy hoạch Vùng tập trung vào các nội dung cơ bản: (a) Xác định luận cứ, cơ sở hình thành phạm vi ranh giới quy hoạch của vùng liên huyện; (b) Xác định mục tiêu phát triển; (c) Dự báo quy mô dân số, nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn phát triển; (d) Xác định yêu cầu về tổ chức không gian đối với hệ thống đô thị, khu vực nông thôn và khu chức năng chủ yếu, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên phạm vi lập quy hoạch theo từng giai đoạn. [6], [7]
Theo thông tư 04/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng và quy hoạch nông thôn, các nội dung nghiên cứu quy hoạch vùng huyện được hướng dẫn cụ thể, cơ bản gồm những nội dung chính sau: (a) Xác định động lực và tiềm năng phát triển của vùng huyện; (b) Dự báo phát triển kinh tế, dân số, lao động, tỷ lệ đô thị hóa, nhu cầu sử dụng đất, bảo vệ môi trường, các rủi ro về biến động, thảm họa thiên nhiên; (c) Tổ chức phân vùng và yêu cầu quản lý, phát triển theo các phân vùng; (d) Định hướng phát triển không gian đô thị - nông thôn, khu chức năng, khu vực an ninh quốc phòng, khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và cơ sở kinh tế - kỹ thuật khác, phân bố hệ thống trung tâm; (e) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng; (f) Xác định các dự án ưu tiên và giải pháp thực hiện.[1]
Thực tiễn hiện nay, đối với công tác quản lý phát triển huyện, việc lập quy hoạch vùng huyện đang chịu áp lực từ các yêu cầu cấp thiết theo các chương trình mục tiêu quốc gia (như đạt tiêu chuẩn huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao…), đáp ứng các yêu cầu về đầu tư hạ tầng cơ sở (điện, đường, trường, trạm…), đáp ứng các yêu cầu về chuẩn bị, tổ chức không gian cho phát triển ngành (nông, lâm nghiệp, thủy lợi, phát triển liên kết chuỗi hàng hóa...) [2]. Chính vì vậy, một đồ án Quy hoạch vùng huyện thường được thực hiện vượt quá nội dung luật định và mang tính đặc thù của từng địa điểm quy hoạch.
Từ những nhận định trên, có thể thấy công tác lập quy hoạch gần như can thiệp và bao trùm mọi lĩnh vực phát triển đối với vùng huyện. Với ý nghĩa đó, quy hoạch vùng huyện ngày càng đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội huyện, là một “công cụ quản lý” trực quan và hiệu quả về:
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu lập quy hoạch vùng huyện chưa phát huy một cách triệt để vai trò quan trọng như trên. Qua nhiều đồ án thực tiễn, phản biện và thẩm định đồ án, những tồn tại chính hiện nay được nhìn nhận gồm:
Do đó, nhằm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch vùng huyện, những tồn tại trên cần được khắc phục.
“Quy hoạch tích hợp” là một xu hướng phù hợp trong thời đại hiện nay. Nhiều nghiên cứu của World Bank, City Allience đã nhấn mạnh rất nhiều về sự đồng thuận của các chủ thể tham gia vào quá trình đưa ra quyết định và việc chuyển đổi từ quản lý nhà nước sang quản trị phát triển. Trong đó, các chủ thể tham gia vào quá trình đưa ra quyết định bao gồm: Nhà quản lý; Chuyên gia; Nhà đầu tư; Cộng đồng. [3]
Hiện nay, việc lấy ý kiến cho công tác lập quy hoạch Vùng huyện được thực hiện tương đối hiệu quả đối với nhóm chủ thể là nhà quản lý (bao gồm mọi lĩnh vực quản lý của Huyện, Tỉnh, Bộ ngành). Các nhà quản lý cung cấp, bổ trợ khá nhiều các thông tin về từng chuyên ngành, góp phần khá lớn vào việc làm sáng tỏ tính gắn kết của từng nội dung quy hoạch.
Đối với nhóm chủ thể là “Cộng đồng” thì hầu như mới chỉ tiếp cận đến cấp độ Xã (Cán bộ công chức Xã, Bí thư tổ dân cư, thôn, xóm…). Các thông tin cung cấp đến người dân chủ yếu là “tuyên truyền”. Thực tế này phản ảnh 2 khía cạnh: một mặt, nội dung quy hoạch quá “hàn lâm” để người dân có thể tiếp cận được; mặt khác, trình độ và tính chủ động tham gia là một hạn chế cố hữu của người dân.
Đối với nhóm chủ thể là Chuyên gia thì việc tiếp cận còn hạn chế. Ngoại trừ các Viện quy hoạch quốc gia, tỉnh và trường đại học về Quy hoạch, hầu hết các tư vấn lập quy hoạch vùng huyện đều thiếu hụt các chuyên gia chuyên ngành. Thực trạng này dẫn tới nhiều nội dung nghiên cứu, phản biện đều yếu và thiếu.
Đối với nhóm chủ thể là Nhà đầu tư thì ít được đưa ra các quan điểm chính thống, mặc dù tác động khá lớn tới tính khả thi của đồ án. Thực tiễn, nhóm chủ thể này đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Huyện, tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh về đất đai, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
Từ những thực trạng này, một số kiến nghị tập trung vào việc nâng cao vai trò và lôi kéo tích cực 3 nhóm chủ thể: cộng đồng, chuyên gia và nhà đầu tư như sau:
- Hạn chế sử dụng các khái niệm, thuật ngữ quá “hàn lâm”, “sính chữ” hoặc dễ gây hiểu nhầm khi tiếp cận cộng đồng. Tập trung vào những khía cạnh phù hợp với trình độ, sự hiểu biết của cộng đồng như nghề nghiệp, nơi làm việc, phương thức sản xuất, canh tác, thu mua sản phầm… Mặt khác, bên cạnh các định hướng chung, cần làm rõ thêm những định hướng cụ thể tác động tới khu vực dân cư xin ý kiến.
- Khuyến khích tổ chức các workshop, hội thảo để tạo sự trao đổi thẳng thắn, cần thiết giữa các chuyên gia, giữa chuyên gia với nhà quản lý để tìm ra những mâu thuẫn, bất cập. Từ đó, góp phần tích cực cho việc đưa ra các quyết định đúng đắn để giải quyết vấn đề. Mặt khác, tổ chức các hội nghị phản biện có mời các nhà quản lý, chuyên gia độc lập, khách quan góp phần củng cổ tính chắc chắn của các quyết định quan trọng.
- Tăng cường sự hợp tác, tham gia của các chủ thể nhà đầu tư trong và ngoài huyện thông qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư… Thông qua việc minh bạch thông tin, phân kỳ quy hoạch, góp phần giảm thiểu việc phải điều chỉnh quy hoạch.
Mặc dù đã có nhiều biến đổi tích cực trong công tác lập quy hoạch những năm gần đây, tuy nhiên đối với vùng huyện vẫn tồn tại nhiều quy hoạch đơn ngành như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch giao thông, quy hoạch đất đai… [4]. Phần lớn các quy hoạch đơn ngành đang là cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư. Chính vì vậy, vai trò của quy hoạch xây dựng vùng dường như bị mờ nhạt, chỉ chủ yếu đóng vai trò là tổng hợp trên cùng một bản đồ, cùng một tỷ lệ. Từ đó, nảy sinh ra hai vấn đề bất cập:
- Thứ nhất, nếu như có sự chồng lấn giữa các quy hoạch ngành trong một không gian thì cơ quan lập quy hoạch vùng có được điều chỉnh quy hoạch ngành không? Nếu điều chỉnh quy hoạch ngành thì ai sẽ quyết định quy hoạch ngành nào được ưu tiên, quy hoạch ngành nào bị thay thế? Đây dường như là câu hỏi đầy bị động cho các cấp lãnh đạo ra quyết định, phản ánh hậu quả của việc lập quy hoạch đơn ngành thiếu phối hợp thông tin.
- Thứ hai, nếu như quy hoạch vùng huyện được thông qua thì liệu có thay thế, hủy bỏ các quy hoạch đơn ngành đã có trước đây? Đây là một khó khăn để khẳng định vai trò quan trọng của quy hoạch vùng, vì thực tế, chưa có văn bản nào hướng dẫn nội dung này. Vì vậy, trong nhiều nơi vẫn dùng song song quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch ngành, dẫn tới nhiều khó khăn cho phát triển đô thị.
Ngoài ra, hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn khá sâu sắc giữa quy hoạch đất đai và quy hoạch xây dựng nói chung, quy hoạch xây dựng vùng huyện nói riêng [4]. Mâu thuẫn này thể hiện ở sự khác biệt giữa thời hạn lập quy hoạch, phương pháp và định hướng sử dụng đất cho các mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Trên thực tế, hai quy hoạch này đang tồn tại song song và tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế huyện. Nếu như trên cùng một khu vực mà có hai định hướng khác nhau của hai quy hoạch này thì việc triển khai đầu tư rất khó khăn, thậm chí đình chệ không triển khai được. Có thể nói, việc không kiểm soát được quy hoạch đất đai đã làm mất đi giá trị là “công cụ quản lý” của quy hoạch vùng huyện cho các cấp lãnh đạo.
Từ những vấn đề nêu trên, đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu quy hoạch vùng huyện như sau:
- Tích cực phối hợp, chia sẻ thông tin với các ngành có liên quan để đạt được sự đồng thuận nhất định. Thảo luận và hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả của việc tích hợp các thông tin về phát triển ngành trong nghiên cứu quy hoạch vùng huyện. Đồng thời, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền ban hành những hướng dẫn phù hợp.
- Đặc biệt cần rà soát sự chồng chéo các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch. Trước mắt, cần có sự phân định rạch ròi giữa công tác quy hoạch đất đai với quy hoạch xây dựng, làm rõ sự phụ thuộc cũng như tính độc lập giữa hai loại hình quy hoạch này để có cơ sở thuận lợi cho triển khai, đầu tư phát triển kinh tế xã hội.
Xu hướng quy hoạch hiện nay chú trọng về quản trị phát triển bao gồm: Thực hiện; Giám sát tài liệu quy hoạch; Lập kế hoạch cho các chiến lược ưu tiên; Phân kỳ giai đoạn thực hiện. Để thực hiện được yêu cầu này thì cần thiết phải có sự hỗ trợ từ các ứng dụng khoa học công nghệ như GIS, BIM… [5] Thực tế hiện nay, việc số hóa các dữ liệu quy hoạch ở đồ án quy hoạch Vùng chưa được triển khai song song với công tác lập quy hoạch. Thậm chí nhiều đồ án quy hoạch vùng huyện không có nội dung về số hóa “quản lý thông tin GIS”.
Do đó, việc phải nâng cấp ứng dụng công nghệ vào trong công tác quy hoạch vùng huyện là rất cấp bách. Việc sử dụng các phần mềm về quản lý thông tin các khu vực trong quy hoạch vùng huyện góp phần không nhỏ để tăng cường tính minh bạch cho đầu tư, giám sát phát triển, giảm thiểu sự chồng lấn giữa các quy hoạch ngành.
Quan trọng hơn, sự ứng dụng của công nghệ sẽ góp phần nâng cao vai trò quản lý của cấp huyện, tập trung vào một mối, tránh chồng chéo và thuận lợi cho công tác đưa ra các quyết định liên quan đến phát triển kinh tế xã hội. Đây có thể coi là một đột phá quan trọng trong cải cách bộ máy quản lý xây dựng và phát triển của huyện.
Trong những năm gần đây, công tác quy hoạch đang ngày càng được phổ biến rộng rãi trên khắp cả nước. Vai trò, tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của công tác lập quy hoạch đối với phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng là rất rõ rệt. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch luôn được chú trọng.
Quy hoạch xây dựng vùng huyện là loại hình quy hoạch có tác động mạnh mẽ tới định hướng phát triển kinh tế xã hội của huyện. Loại hình quy hoạch này không còn là một quy hoạch đơn ngành thuần túy mà trong bản chất chứa đựng rất nhiều yếu tố đa ngành, liên ngành. Chính vì vậy, những đặc điểm về “tính tích hợp”, “tính tổng hợp liên ngành”, “tính ứng dụng công nghệ” là một trong những khía cạnh quan trọng cần có những thay đổi, đột phá. Và để đảm bảo tính đồng bộ trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, quy trình “quy hoạch tích hợp” cần có những hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan lập pháp và các bộ ngành trực tiếp liên quan.
TÀI LIỆU THAM KHẢO