Hình thành khu chức năng động lực phát triển các khu kinh tế ven biển đồng bằng sông cửu long

Nguyễn Công Hưng

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Tóm tắt:

Bài viết phân tích thực trạng phát triển 03 Khu kinh tế (KKT) ven biển Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm KKT Phú Quốc (Kiên Giang), KKT Định An (Trà Vinh), KKT Năm Căn (Cà Mau), tìm ra điểm nghẽn liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng, cụ thể là vị trí, kết nối giao thông và các khu chức năng khai thác thế mạnh của địa phương, làm động lực chính để thúc đẩy phát triển, tạo sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh giữa các KKT trong vùng. Tìm hiểu thêm về bối cảnh và triển vọng con đường hàng hải mới ở Nam biển Đông, định hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng bán đảo Cà Mau, bài viết đề xuất định hướng tổng thể cũng như các không gian tạo động lực phát triển cho Khu kinh tế Năm Căn. Trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên thủy sản Cà Mau, và định hướng sau năm 2030 là Khu hậu cần quốc tế cảng Hòn Khoai. Đây là cơ sở ban đầu để xây dựng Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Năm Căn với tầm nhìn dài hạn hơn, đến năm 2040, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh cho vùng đất cực nam của đất nước.

Abstract:

The article analyzes the development status of 03 coastal economic zones in the Mekong Delta including Phu Quoc EZ (Kien Giang), Dinh An EZ (Tra Vinh), Nam Can EZ (Ca Mau), finding bottlenecks related to construction planning, namely the location, transport connection and specific functional areas to exploit the strengths of the locality, as the main driving force to promote development, to make a difference, and to create advantages. competition among EZs in the region. Learning more about the context and prospects of a new maritime route in the South East Sea, development orientation of the Mekong Delta, Ca Mau peninsula, the article proposes the overall orientation as well as the space to create the driving force for the development of Nam Can Economic Zone as a case study. Up to 2030, the “Ca Mau High-tech Park specialized in Aquaculture” should be built, and after 2030, will be “The international logistics hub of Hon Khoai port”. This is the initial basis for building the scope of work of amending the master plan of Nam Can EZ up to 2040, contributing to promoting socio-economic development and ensuring national defense and security at the southernmost part of the country.

Từ khóa: Đồng bằng Sông Cửu Long, khu kinh tế, Năm Căn, cảng Hòn Khoai, hậu cần, khu nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản

Keywords: Mekong delta region, economic zone, Nam Can, Hon Khoai port, logistics, agriculture high tech park, aquaculture

1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ CÁC KHU KINH TẾ VEN BIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

1.1. Thực trạng các KKT ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là vựa lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vựa trái cây, vựa thủy sản mà còn là vùng kinh tế biển quan trọng của cả nước. Vùng ĐBSCL có 3 khu kinh tế (KKT) ven biển nằm trong đề án Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020, gồm: KKT Phú Quốc (Kiên Giang), KKT Định An (Trà Vinh), KKT Năm Căn (Cà Mau). Các KKT này là động lực để các tỉnh ven biển tiến ra biển và có chiến lược phát triển cụ thể cho địa phương, vùng, cũng như tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài.

- KKT đảo Phú Quốc: Được thành lập năm 2013 gồm toàn bộ đảo Phú Quốc, có diện tích tự nhiên 58.923ha. Các chức năng của KKT được xác định trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đảo Phú Quốc đến năm 2030 đã được phê duyệt từ năm 2010 và điều chỉnh một số nội dung vào các năm 2014, 2015 và 2020. Ngoài khu phi thuế quan quy mô khoảng 101ha gắn với cảng An Thới và Sân bay Phú Quốc, khu thuế quan là các khu còn lại bao gồm Khu du lịch, dịch vụ, khu cảng và dịch vụ hậu cần cảng, khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác. Đến cuối năm 2020, Phú Quốc đã thu hút 372 dự án đầu tư với tổng số vốn hơn 16,5 tỷ USD và thành phố Phú Quốc đã được thành lập, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Phú Quốc đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng, đặt ra mục tiêu phát triển KKT Phú Quốc toàn diện, cân bằng và bền vững; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và bảo đảm an ninh, quốc phòng. KKT Phú Quốc được định hướng phát triển thành một đô thị biển đảo đặc sắc với những giá trị khác biệt; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Đây cũng sẽ là trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; một không gian sống có chất lượng và cũng là một khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

- KKT Định An: Được thành lập năm 2009, là KKT ven biển tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp. Diện tích tự nhiên 39.020ha, với bờ biển dài 42km. Quy hoạch chung KKT được phê duyệt vào năm 2011. Ngoài Khu phi thuế quan có diện tích 501ha, Khu thuế quan có các khu chức năng như: khu trung tâm điện lực Duyên Hải, khu cảng và dịch vụ cảng và các khu công nghiệp, khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng, khu dân cư, khu đô thị, khu hành chính. Tính đến nay đã thu hút được 15 dự án với tổng vốn đầu tư là 90,876 tỷ đồng. Trong đó, 02 dự án đã và đang triển khai từ nguồn vốn Trung ương là Trung tâm Điện lực Duyên Hải 650ha và dự án Luồng Định An. Tiến độ đạt khoảng 30%.

- KKT Năm Căn: Được thành lập năm 2010, với tổng diện tích 11.000ha, là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trọng tâm phát triển: Công nghiệp cơ khí, đóng mới tàu biển và dịch vụ tài chính, viễn thông; đồng thời cũng là trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch sinh thái rừng ngập mặn, chế biến hải sản. Quy hoạch chung KKT được phê duyệt vào năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, KKT Năm Căn hiện chỉ có 04 dự án đang sản xuất kinh doanh, vốn đăng ký 915 tỷ đồng. 

1.2. Tình hình triển khai quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Năm Căn

KKT Năm Căn được thành lập với mục tiêu là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý kinh tế và chính trị trong giao thương, dịch vụ quốc tế và trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau và khu vực ĐBSCL. Quy hoạch chung xây dựng KKT Năm Căn đến năm 2030 được phê duyệt năm 2013 với diện tích tự nhiên 10.801,95ha, gồm không gian phi thuế quan khoảng 810ha, còn lại là không gian đô thị và không gian rừng cảnh quan, nuôi trồng thủy sản.

Để cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng, hiện nay Ban Quản lý KKT Năm Căn đã và đang triển khai lập 04 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng KKT với quy mô 1.069ha. UBND huyện Năm Căn cũng triển khai lập, phê duyệt 03 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái và Dịch vụ du lịch với quy mô 1.095ha cùng các đồ án quy hoạch chi tiết khu dân cư, khu tái định cư khác với quy mô gần 500ha. Công tác lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong KKT đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ phủ kín đồ án QHPK là 85,74% khi hoàn thành các đồ án đã được phê duyệt (thực tế tỷ lệ phủ kín là 42,35%). Tỷ lệ phủ kín đồ án QHCT là 47,38% khi hoàn thành các đồ án đã được phê duyệt nhiệm vụ (thực tế phủ kín 45,22%).

Về triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng KKT, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Cà Mau mới tranh thủ nguồn vốn của Chính phủ để đầu tư xây dựng hệ thống các đường trục chính KKT đấu nối vào các khu chức năng và hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư… Đây là những hạng mục quan trọng nhằm tạo điều kiện và động lực cho phát triển các khu chức năng khác trong KKT, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu cho các nhà đầu tư. Đầu mối giao thông Cảng Năm Căn cũng chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, nạo vét, thông luồng để đưa vào hoạt động, bị bỏ phí nhiều năm nay.

Tóm lại, so với các tỉnh khác, KKT Năm Căn nằm xa các trung tâm kinh tế của cả nước, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau còn gặp nhiều khó khăn, các chính sách ưu đãi chưa rõ ràng nên việc thu hút đầu tư vào KKT còn hạn chế. Nhu cầu vốn lớn nhưng hỗ trợ từ ngân sách trung ương cũng như chủ động ngân sách địa phương còn rất hạn chế.

2.  NHỮNG ĐIỂM NGHẼN PHÁT TRIỂN KHU KINH TẾ VEN BIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

2.1. Về kết nối giao thông

Về đường hàng hải, vùng ĐBSCL chưa có cảng nước sâu, do bờ biển của vùng có mức độ bồi tụ phù sa rất mạnh, thềm biển nông và yếu, dẫn đến cảng nước sâu nếu xây dựng cần phải cách khá xa bờ kéo theo chi phí hạ tầng kết nối tốn kém. Hầu hết các cảng trên địa bàn vùng ĐBSCL chỉ phục vụ vận tải ven biển nội vùng và nội địa, chủ yếu là về Cái Mép - Thị Vải. Hiện nay, chỉ có hai cảng trên sông An Giang và Cần Thơ là có thể cho phép tàu cỡ từ 2.000-8.000 tấn phục vụ xuất khẩu trực tiếp trong cự ly gần như sang Singapore và Phillipine. Trong khi đó, đường thuỷ nội địa được xác định là phương thức đặc thù, kết nối nội vùng và kết nối với hệ thống cảng tại TP.HCM và Campuchia. Tuy nhiên, đường thủy nội địa chưa tham gia sâu vào chuỗi vận tải hàng hóa container trong khu vực nói chung và KKT ven biển nói riêng.  

Về đường hàng không, hiện tại ĐBSCL có 4 sân bay hành khách chính, trong đó có hai sân bay quốc tế, và không có dịch vụ vận chuyển hàng hóa (tàu bay chuyên dụng chở hàng) tại các sân bay này. Trong đó, sân bay quốc tế Phú Quốc khai trương năm 2012 sẽ có công suất tối đa là 7 triệu lượt sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn 2, phục vụ trực tiếp cho KKT Phú Quốc. Sân bay quốc tế Cần Thơ hoạt động vào năm 2011 với công suất 3-5 triệu hành khách mỗi năm, kết nối KKT Định An qua quốc lộ 54 trong bán kính hơn 100km, kết nối KKT Năm Căn qua quốc lộ 1A trong bán kính hơn 200km. Còn lại 2 sân bay nội địa tại Rạch Giá và Cà Mau, trong đó kết nối từ sân bay Cà Mau đi KKT Năm Căn trong bán kinh hơn 50km theo quốc lộ 1A, nhưng hiện nay chỉ phục vụ đi, đến TP.HCM và đang hoạt động dưới công suất. Trong tất cả các chiến lược giao thông vùng ĐBSCL từ trước tới nay, đường bộ không phải giải pháp đặc thù do đặc điểm đồng bằng thấp trũng, nền đất yếu, nhiều kênh rạch, không có vật liệu san lấp, lại bị ảnh hưởng sụt lún và nước biển dâng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc kết nối sân bay qua đường bộ với các KKT trong vùng cũng không thuận tiện.

Riêng đối với KKT Năm Căn, mặc dù là KKT ven biển nhưng lại không tiếp cận trực tiếp với biển, mà chỉ tiếp cận sông Cửa Lớn thông ra cả Biển Đông và Biển Tây. Cũng do vị trí chiến lược này nên Hải quân vùng 5 và Cảnh sát biển được đưa vào xây dựng với quy mô quốc gia ngay trong trung tâm KKT để kiểm soát 2 vùng biển. Tuy nhiên, định hướng quy hoạch giao thông đường thuỷ trong nội bộ KKT, cũng như kết nối vùng chưa được rõ nét. Mặc dù nằm ở vị trí thuận lợi, Khu bến cảng Năm Căn trên sông Cửa Lớn đang hoạt động cầm chừng, quy mô cầu cảng chưa đáp ứng theo quy hoạch, luồng hàng hải thông ra Biển Tây và Biển Đông có độ sâu hạn chế, chỉ có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng dưới 5.000 tấn. Trong khi đó, Cảng biển Hòn Khoai là địa điểm phù hợp để đầu tư cảng biển nước sâu kết hợp với hậu cần cảng biển quốc tế, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển Cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhưng nằm ở ngoài đảo Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển, cách KKT Năm Căn 42km.

2.2. Về chức năng nòng cốt, chủ đạo và gắn kết chặt chẽ với phát triển vùng

Nhìn lại 3 KKT ven biển trong vùng ĐBSCL với các bối cảnh khác nhau:

- KKT Định An đặt ưu tiên phát triển các ngành như sản xuất điện năng, hóa dầu, đóng tàu cùng với các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Thực tế, KKT Định An đã xác định được chức năng nòng cốt là Trung tâm năng lượng của vùng với việc thu hút được dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải có vốn đầu tư dự kiến 88.000 tỷ đồng, diện tích 650 ha, bao gồm cả nhiệt điện và các nguồn năng lượng tái tạo.

- KKT Phú Quốc sau khi trở thành Thành phố Phú Quốc đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đột phá cho thành phố, qua đó, thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực thực sự, tạo điều kiện cho Phú Quốc phát triển trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế, với 3 trụ cột chính: Công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; Dịch vụ tài chính ngân hàng và Kinh tế biển.

- Trong khi đó, KKT Năm Căn mặc dù cũng đã được xác định là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nuôi trồng thủy sản kỹ thuật cao, dịch vụ du lịch sinh thái và các trung tâm tiếp vận của vùng tỉnh Cà Mau, tuy nhiên các khu chức năng đó chưa được thể hiện rõ ràng trong đồ án quy hoạch chung xây dựng, cũng như chưa thu hút được các dự án đầu tư. Với quy mô chưa đến 11.000ha nhưng định hướng quy hoạch sử dụng đất KKT Năm Căn đến năm 2030 được duyệt đã bố trí khoảng 4.370ha, tương đương 40% quỹ đất KKT cho chức năng nuôi trồng thủy sản công nghiệp. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp thủy sản đầu tư trong KKT và được nhiều doanh nghiệp lớn về thủy sản trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là quỹ đất sản xuất đang thuộc các hộ gia đình quản lý và sử dụng, hạ tầng kết nối với các khu chức năng khác trong KKT chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và ứng dụng công nghệ cao. Xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương ven biển nói chung và trong vùng ĐBSCL như Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng… quan tâm phát triển. Tuy nhiên,  Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên về thủy sản nếu được hình thành trong KKT Năm Căn sẽ có lợi thế là: (1) Được áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ cho KKT ven biển và các dự án theo quy định của pháp luật về lĩnh vực công nghệ cao; (2) Có thể kết nối với KCN chế biến thủy sản, cảng và dịch vụ  hậu cần cho xuất khẩu thủy sản ngay trong KKT; (3) Có thể sử dụng nhân lực và bộ máy của Ban Quản lý KKT tỉnh Cà Mau để thực hiện chức năng quản lý các dự án trong khu mà không hình thành tổ chức quản lý mới.

3. ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KHÔNG GIAN KHU KINH TẾ NĂM CĂN

Theo kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thị trấn Năm Căn cùng các khu đô thị trong KKT được định hướng trở thành thị xã Năm Căn, đô thị loại III trực thuộc tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2026-2030. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau cũng xác định thị trấn Năm Căn là điểm du lịch phụ trợ, cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm, thông tin du lịch, dịch vụ đầu mối, thương mại. Do đó, đề xuất về tổng thể, không gian đô thị cùng với các khu dịch vụ du lịch của KKT dự kiến sẽ mở rộng về phía tây, về phía xã Đất Mới. Còn các chức năng của KKT sẽ phát triển về phía xã Hàng Vịnh ở phía đông, là hướng luồng cảng Năm Căn thông ra biển Đông qua cửa Bồ Đề. Trong đó, có 2 đề xuất mang tính chiến lược cho KKT Năm Căn như sau:

3.1. Bổ sung chức năng trung tâm hậu cần quốc tế cho cảng biển Hòn Khoai

Trong giai đoạn 2021-2030, định hướng quy hoạch vùng ĐBSCL không đề xuất dùng vốn ngân sách để đầu tư cảng nước sâu do không đủ nhu cầu hàng hóa và chi phí xây dựng cao. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đầu tư, kết hợp với việc định hướng một cảng biển nước sâu cho vùng ĐBSCL là cần thiết trong phát triển lâu dài và bền vững của vùng sau năm 2030.

Cảng Hòn Khoai đã được bổ sung vào nhóm cảng biển ĐBSCL (nhóm 6), là cảng tổng hợp quốc gia có thể đón các tàu biển có dung tích, tải trọng lớn nhất thế giới hiện nay, góp phần hình thành một mắt xích trong chuỗi phân phối toàn cầu (global logistics hub), kết nối hệ thống cảng biển và trung tâm kinh tế lớn trong khu vực qua eo đất Kra Isthmus. Hiện nay, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc hai phương án: một là kênh đào, hai là đường bộ và đường sắt để kết nối cặp cảng biển ở hai bờ eo đất. Cả 2 cũng đều rút ngắn khoảng 1.200 km trên quãng đường vận chuyển hàng hóa từ biển Andaman đến vịnh Thái Lan, qua biển Đông và sang Thái Bình Dương do không phải đi vòng qua eo biển Malacca, Singapore. Và Cảng Hòn Khoai sẽ nằm ngay trên tuyến đường biển mới đó.

Cụm đảo Hòn Khoai thuộc vùng kinh tế ven biển Đông (phía Nam) của tỉnh Cà Mau, là vùng cực Nam tổ quốc, có nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa và quốc phòng. Do vậy, Khu vực Cảng nước sâu Hòn Khoai cần được nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng, kết hợp phát triển du lịch sinh thái các cụm đảo xung quanh (Hòn Sao, Hòn Khô, Hòn Quy và Hòn Đá Lẻ).

Ngành công nghiệp hậu cần container đang phát triển nhanh chóng và đòi hỏi các công trình cảng lớn phải đáp ứng được yêu cầu. Khu vực kinh tế hậu cần sau cảng tại Năm Căn sẽ cho phép nhập container vào cảng, sau đó thông qua vận chuyển đến các trung tâm công nghiệp chính trên toàn bộ khu vực. KKT Năm Căn nằm tại vị trí lý tưởng xét về cả đường thủy, đường hàng không và đường bộ, phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu qua cảng. Đặc biêt, trong giai đoạn đến năm 2030, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, dài 260km sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng, góp phần cải thiện kết nối giao thông đường bộ vùng ĐBSCL.

Tại KKT Năm Căn, đề xuất hình thành khu dịch vụ hậu cần cho cảng biển quốc tế Hòn Khoai. Đây sẽ trở thành một mắt xích - một trung tâm logistics toàn cầu giữa Hong Kong và Singapore. Do quỹ đất KKT hạn hẹp, nên kiến nghị điều chỉnh chức năng khu phi thuế quan theo quy hoạch chung (khoảng 810ha) sang chức năng dịch vụ hậu cần, vì khu phi thuế quan sẽ không còn phù hợp với xu hướng hiện nay, sau khi Việt Nam đã tham gia sâu rộng các Hiệp định thương mại.

Để phát huy vai trò là cảng trung chuyển của khu vực, nhất thiết phải có tuyến vận tải nối từ cảng Hòn Khoai vào khu hậu cần tại KKT Năm Căn, đoạn trên biển dài khoảng 14,6km nhằm phục vụ vận chuyển hàng hóa đi và đến cảng từ KKT Năm Căn và xa hơn là các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, vấn đề hiệu quả kinh tế cũng cần được tính đến, bởi theo phương thức vận tải truyền thống là đường bộ, chiều dài cây cầu từ cảng Hòn Khoai vào đất liền sẽ gần gấp 3 lần cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, hiện đang là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Do vậy, cần tính đến các giải pháp thay thế, là các module vận chuyển hàng hóa container (Freight Transport Modules) tự động, hiện đại, là xu thế của tương lai, như đường ray trên cao hoặc đường ống chuyên dụng vận tải hàng hóa container từ cảng vào thẳng KKT Năm Căn.

3.2. Chuyển đổi mô hình Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chuyên thủy sản

Trong giai đoạn trước mắt, đề xuất chuyển đổi một phần quỹ đất quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghiệp trong KKT Năm Căn để hình thành Khu chức năng NNƯDCNC phát triển về thủy sản hiện đại mang tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của thế giới về ngành thủy sản từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa.

Về chức năng, theo Luật Công nghệ cao, Khu NNƯDCNC có 5 chức năng cơ bản là nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất sản phẩm NNƯDCNC. Các chức năng phụ trợ như quản lý điều hành, cung cấp và đảm bảo kỹ thuật, khu cây xanh, bến bãi đỗ xe cũng không thể thiếu cho hoạt động và môi trường của Khu NNƯDCNC.

Áp dụng tại Khu NNƯDCNC chuyên thủy sản Cà Mau trong KKT Năm Căn, có vị trí tại xã Hàng Vịnh, quy mô khoảng 900-1.000ha, với các phân khu chức năng sau:

(1) Khu trung tâm Khu NNƯDCNC khoảng 100-200ha, bao gồm các chức năng:

- Khu điều hành quản lý, Khu văn phòng các hãng vận tải, hãng đại lý;

- Khu nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, liên kết với trường đào tạo chuyên ngành;

- Khu sản xuất thử nghiệm và trình diễn mô hình sản xuất NNƯDCNC;

- Trung tâm kiểm định chất lượng, Trung tâm sản xuất giống;

- Trung tâm thông tin, hội chợ triển lãm, Sàn giao dịch quốc tế về thủy sản…

- Cây xanh, bến bãi đỗ xe;

(2) Khu sản xuẩt thủy sản xuất khẩu, quy mô hoảng 800-900ha, bao gồm các chức năng:

- Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản chất lượng cao;

- Nhà máy chế biến chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản;

- Khu nhà máy sản xuất thủy sản xuất khẩu công nghệ cao cho các nhà đầu tư thứ cấp;

- Kho lạnh bảo quản thủy sản công nghệ mới;

- Các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, đối với các dự án nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao nói riêng, vấn đề môi trường cần đặc biệt lưu ý. Do đó đề xuất lựa chọn mô hình “Hệ thống Thủy sản tuần hoàn” tiên tiến trong xử lý nước cấp và tái sử dụng nước thải phục vụ sản xuất và kiểm soát chất lượng nước đảm bảo được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thoát ra môi trường.

4. KẾT LUẬN

Tóm lại, qua đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng các KKT ven biển vùng ĐBSCL trong vòng 10 năm qua, có thể thấy trừ KKT Phú Quốc đã thu hút nhiều dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực du lịch, 2 KKT ven biển còn lại chủ yếu mới đang kêu gọi đầu tư. Bên cạnh nguyên nhân từ các cơ chế chính sách phát triển phù hợp còn thiếu, chưa tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn các nhà đầu tư thì vấn đề chính đối với các KKT là chưa có hạ tầng cảng biển nước sâu - yếu tố quan trọng nhất của KKT biển. Thêm vào đó, hạ tầng kết nối giao thông vùng còn chưa hoàn chỉnh. Riêng đối với KKT Năm Căn điểm nghẽn chính là thiếu kết nối cảng biển, cũng như thiếu chức năng nòng cốt, chủ đạo tạo sự khác biệt, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào KKT. Từ đó, bài báo đưa ra một số đề xuất hoàn thiện kết nối giao thông sau cảng và chuyển đổi, bổ sung các không gian chức năng mang tính chiến lược, là Khu NNƯDCNC chuyên thủy sản và Trung tâm hậu cần quốc tế Cảng Hòn Khoai.

Cùng với những yếu tố động lực mới xuất hiện mà trong bài viết này chưa đề cập đến như dự án Đường Hồ Chí Minh kéo dài đến Mũi Cà Mau giúp gắn kết Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; và thị trấn Năm Căn trong KKT được định hướng trở thành thị xã Năm Căn giai đoạn 2026-2030, cần thiết phải rà soát, lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Năm Căn, với tầm nhìn dài hạn hơn đến năm 2040, làm cơ sở triển khai quy hoạch các phân khu chức năng động lực đã đề xuất.

Tài liệu tham khảo chính:

- Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau, Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Năm Căn, tỉnh Cà Mau đến năm 2030, Báo cáo tổng hợp.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Báo cáo tổng hợp.

- Lưu Ngọc Trịnh, Cao Tường Huy (2013), Phát triển các khu kinh tế biển Việt Nam, thực trạng và một số bài học, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 9 (70), 2013.

- Nyan Taw, Ph.D. (2017), A look at various intensive shrimp farming systems in Asia, Global Aquaculture Alliance.

- Quốc hội Khóa 12, Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12.

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 111))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website