Mô hình phát triển khu kinh tế ven biển ở một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

TS. Trần Thị Thu Hương

Viện Nghiên cứu Quản lý KTTW

Summary

The model for developing coastal economic zones (CEZs) is quite diverse among countries, even within a country. At present, there is still no ideal model because of the diversity in the choice of CEZs and the policies applied in these zones in each country. However, reviewing the successful and unsuccessful experiences of CEZ development models in China and Singapore will help policy makers in Vietnam identify factors that  promote or hinder the success of this model, thereby designing a CEZ development model suitable to Vietnam in the period 2021-2030.

Từ khóa: Khu kinh tế, khu kinh tế ven biển, chính sách khu kinh tế ven biển

Mở đầu:

Trong những năm gần đây, việc ưu tiên xây dựng các khu kinh tế ven biển (KKTVB) được coi là một trong năm nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược biển Việt Nam và cũng được kỳ vọng là mô hình phát triển có tính đột phá cho phát triển kinh tế vùng và địa phương thông qua khai thác triệt để lợi thế về biển, đặc biệt gắn với phát triển hệ thống cảng biển nước sâu. Sau hơn 15 năm xây dựng và phát triển KKTVB, các khu này đã và đang có những đóng góp to lớn vào thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương có KKTVB nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy vậy, những đóng góp này chưa thực sự rõ nét và chưa như kỳ vọng, cả về góc độ: (i) thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển và đóng góp ngân sách; (ii) số dự án có sức lan tỏa và thúc đẩy phân công lao động xã hội sâu và kéo theo sự phát triển đột phá của các ngành công nghiệp hỗ trợ trong các KKTVB chưa nhiều, chưa tạo sự kết nối giữa kinh tế của các địa phương với khu vực và thế giới bằng các chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế; (iii) chưa thực sự là động lực mạnh mẽ để đưa nền kinh tế của các địa phương đi lên; (iv) môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu (đặc biệt là lượng phát thải của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, nhà máy đóng và sửa chữa tàu biển…)… Nhìn chung, quá trình phát triển các KKTVB chưa bền vững.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới nảy sinh các vấn đề nêu trên, trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất chính là các giải pháp chính sách hiện nay chưa thực sự đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững các KKTVB. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm kiếm kinh nghiệm các nước trên thế giới về mô hình phát triển KKTVB để từ đó có thể rút ra những bài học có ý nghĩa áp dụng ở Việt Nam trong thời gian tới là rất cần thiết.

1. Vai trò của KKTVB trong phát triển đất nước

KKTVB là một loại hình của khu kinh tế thường do Chính phủ thành lập để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư, giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội… tại một vùng cụ thể. KKTVB được xây dựng ở những vị trí đắc địa dọc ven bờ biển, gắn với cảng biển nước sâu. Ở Việt Nam, KKTVB “là khu kinh tế hình thành ở khu vực ven biển và địa bàn lân cận khu vực ven biển” (theo Điều 2, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).

- KKTVB là một trong những địa điểm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Ở nhiều quốc gia, các KKTVB được thành lập nhằm mục đích thu hút nguồn vốn đầu tư FDI. Do vậy, việc thành lập các KKTVB với nhiều chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư hiệu quả với sự minh bạch và cạnh tranh cao cùng với vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng thuận lợi đã góp phần khuyến khích và tăng mức độ đầu tư FDI.

- KKTVB góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế: Việc thu hút nguồn vốn FDI, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là một trong nhân tố chính giúp đa dạng các hoạt động kinh tế không chỉ trong KKTVB mà còn lan tỏa đến các khu vực xung quanh KKTVB. Các hoạt động kinh tế trong KKTVB thường hướng tới chuỗi giá trị sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là giúp thúc đẩy hình thành các ngành công nghiệp nặng và dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ logistics) cũng như các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu.

- KKTVB là địa điểm tạo việc làm và góp phần nâng cao kĩ năng lao động: Ở nhiều nước, các KKTVB trong giai đoạn đầu thành lập thường ở các vùng có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, điều kiện kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tỉ lệ thất nghiệp thường cao. Sau khi KKTVB đi vào hoạt động, sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giúp giải quyết các vấn đề về việc làm và nghèo đói tại các khu vực này. Theo Gokhan và James (2008), số việc làm gián tiếp thường chiếm từ 25% đến 200% số việc làm trực tiếp, tùy thuộc vào mỗi loại ngành nghề và đặc điểm của mỗi KKTVB. Ngoài tạo việc làm, các nhà đầu tư trong KKT cũng góp phần giúp phát triển lực lượng lao động địa phương, đặc biệt là nâng cao nền tảng kỹ năng và tác phong công nghiệp cho lao động địa phương thông qua các chương trình đào tạo riêng của doanh nghiệp.

- KKTVB cũng là địa điểm để thử nghiệm chính sách mới: Ý tưởng ban đầu thành lập KKTVB ở nhiều nước chính là nhằm thử nghiệm các cơ chế, chính sách kinh tế mới mang tính táo bạo, đột phá và tự do hơn cho nền kinh tế của quốc gia đó. Trong nhiều trường hợp, cơ chế, chính sách cải cách mới gây ra nhiều tranh cãi và do vậy, cơ chế, chính sách đó cần được thử nghiệm ở phạm vi quy mô nhỏ trước khi được áp dụng rộng rãi hơn.

2. Kinh nghiệm quốc tế về hình thành và phát triển các KKTVB

2.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia được đánh giá khá thành công trong việc thực hiện chuyển đổi kinh tế đáng ngạc nhiên ở một số địa phương thông qua thúc đẩy phát triển các KKTVB. Các KKTVB ven biển là một nhân tố quan trọng trong tiến trình mở cửa kinh tế và thu hút FDI của Trung Quốc. Năm 1980, 4 KKTVB (Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn) được thành lập đã thu hút khoảng 59,8% tổng vốn FDI vào Trung Quốc (Yue-nam và cộng sự, 2009). Các KKTVB ước tính tạo ra 30 triệu việc làm và giúp tăng 30% thu nhập cho các hộ nông dân tham gia hoạt động kinh tế trong KKTVB (Douglas, 2015).

Năm 1980, Chính quyền Trung Quốc lựa chọn thành lập 4 KKTVB này chủ yếu xuất phát từ ý tưởng: (i) Tận dụng vị trí địa lý gần thị trường tư bản (ví dụ: Thâm Quyến gần Hồng Kông; Chu Hải gần Macao; Sán Đầu và Hạ Môn có vị trí đối diện với Đài Loan); (ii) Tận dụng khu vực ven biển, cảng nước sâu, giao thông đường biển và đường sông rất thuận lợi với thị trường bên ngoài; và (iii) Đây là quê hương của hàng chục triệu người Hoa và Hoa kiều ở nước ngoài. Nhiều người Hoa kiều giữ những chức vụ quan trọng, chủ chốt trong hầu hết các ngành kinh doanh của khu vực Đông Nam Á (Lê và Nguyễn, 2009).

Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều chính sách và hỗ trợ khác nhau đối với từng KKTVB tùy theo mục đích thành lập KKT. Chẳng hạn, trong khi cơ chế ưu đãi riêng cho Thâm Quyến chủ yếu là môi trường thể chế mang tính mở (tạo sự chủ động cho địa phương cùng với việc áp dụng những cải cách đột phá về môi trường kinh doanh theo kinh nghiệm Hồng Kông), thì Chu Hải được hỗ trợ đầu tư hạ tầng lớn; Sán Đầu được tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng; và Hạ Môn gắn với nâng cao chất lượng môi trường và phát triển kinh tế biển (Nguyễn và cộng sự, 2018).

Một số cải cách chính sách quan trọng áp dụng tại KKTVB:

- Khuyến khích đầu tư và tự chủ về thể chế: Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi cả về tài chính và phi tài chính, bao gồm: cơ chế hành chính thông thoáng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, thủ tục thông quan nhanh gọn, ưu đãi thuế, linh hoạt trong tuyển dụng và sa thải lao động. Những chính sách ưu đãi khác cũng được triển khai để thu hút các lao động có tay nghề, chẳng hạn như: cung cấp nhà, tài trợ nghiên cứu, trợ cấp giáo dục… KKTVB Thâm Quyến còn được áp dụng chính sách miễn nộp thuế nhập khẩu cho chính quyền Trung ương (CQTW) và tỉnh trong 10 năm đầu thành lập để tái đầu tư phát triển KKT này. Đây là một lợi thế giúp Thâm Quyến sớm đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng trong KKTVB.

Thêm vào đó, trong giai đoạn đầu thành lập, một số KKTVB còn được cho phép tự chủ về kinh tế, chính trị lớn hơn. Chính quyền địa phương (CQĐP) được tự chủ về lập pháp để xây dựng những luật lệ, quy định riêng trong phạm vi KKTVB. Chính sự tự chủ “đặc biệt” và có phần “khác thường” này đã cho phép các KKTVB tự do phát triển.

- Chuyển giao, đổi mới, nâng cấp công nghệ và mối liên kết chặt chẽ với nền kinh tế nội địa: Trung Quốc đặt trọng tâm đặc biệt vào việc học hỏi và đổi mới công nghệ cũng như phát triển các ngành công nghệ cao. Do vậy, KKTVB cũng được lựa chọn là địa điểm thành lập các trung tâm tri thức với các hoạt động sáng tạo, đổi mới và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, một số KKTVB đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp và cụm công nghiệp nội địa thông qua chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. 

- Văn hóa đổi mới sáng tạo: Bên cạnh sự linh hoạt về thể chế, sự tụ hội của những con người trong các KKTVB cũng ươm mầm những đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp mới. Thời gian qua, KKTVB đã thu hút một lượng lớn lao động tri thức từ các địa phương khác trong nước và cả lao động từ nước ngoài, những người hy vọng có những công việc và cơ hội tốt hơn. Chính cộng đồng những người mới với động lực mạnh mẽ này đã tạo ra một văn hóa khởi nghiệp và sáng tạo trong các KKTVB.

Nhìn chung, các cơ chế, chính sách nổi bật hiện đang được áp dụng ở các KKTVB ở Trung Quốc là: (i) Hỗ trợ phát triển hạ tầng từ nguồn lực NSNN trong giai đoạn đầu thành lập; (ii) Áp dụng chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế, phí trong một giai đoạn nhất định từ khi bắt đầu thành lập; (iii) Để lại nguồn thu ngân sách trong giai đoạn đầu để đầu tư cơ sở hạ tầng; (iv) Có cơ chế lưu thông tự do hàng hóa trong KKTVB; (v) Áp dụng cơ chế kiểm tra hải quan một cửa đối với hàng hóa ra vào KKTVB; (vi) Thành lập công ty phát triển hạ tầng, công ty dịch vụ việc làm, bệnh viện, trường học quốc tế tại KKTVB; (vii) Phát triển dịch vụ vận tải quốc tế; (viii) Thực hiện phân cấp nhiệm vụ và quyền hạn cho cơ quan quản lý tại KKTVB.

Về mặt tổng thể, mặc dù các KKTVB ở Trung Quốc đã đạt được một số thành công nhất định, tuy nhiên, nước này cũng gặp phải một số vấn đề khó khăn.

- Phương pháp tiếp cận hình nấm ở cấp độ Trung ương và địa phương đã tạo ra sự chồng chéo: Sau thành công của một số KKTVB được thành lập vào những năm 1980s, vào những năm 1990s và đầu những năm 2000s, CQTW và CQĐP đã bắt đầu bắt chước cách tiếp cận và triển khai thành lập rất nhiều các KKTVB. Việc thành lập các KKTVB trong nhiều trường hợp đã không đánh giá kỹ lưỡng sự phù hợp và không theo quy hoạch nên đã dẫn đến sự đầu tư dàn trải, manh mún. Trong những năm 1990s và 2000s, các chính sách ưu đãi tài chính áp dụng tại KKTVB theo kiểu “chạy đua xuống đáy” nên đã giảm hiệu quả của chương trình phát triển KKTVB.

- Ô nhiễm môi trường: Ở Trung Quốc, trước đây mục tiêu tăng trưởng GDP luôn được đặt ưu tiên hàng đầu. Tăng trưởng dựa trên mức độ lao động và công nghệ thấp và nền sản xuất thâm dụng tài nguyên, do vậy, một số KKTVB đã phải đối mặt với những vấn đề về tài nguyên và môi trường nghiêm trọng. Worldbank (2017) đã ước tính rằng chi phí môi trường ở Trung Quốc vào khoảng 8% GDP của nước này. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc nhiều năm gần đây đã phải ban hành các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về môi trường và cố gắng sử dụng những chính sách tài chính để buộc các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ xanh trong sản xuất.

2.2. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore có tổng cộng 10 KKT đặc biệt và các KKT này được thành lập gắn với việc phát triển cảng biển để thúc đẩy phát triển ngành sản xuất chế tạo và thu hút FDI. Trong số đó, Jurong là KKT thành công nhất và được đánh giá là một trong những khu thương mại tốt nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tổng diện tích KKT Jurong là 3.000ha. Đã có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động tại Jurong, tạo ra hơn 8.000 việc làm và tổng mức đầu tư khoảng 42 tỉ USD (COMCEC, 2017:89).

Jurong bắt đầu được thành lập từ năm 1961 và được lựa chọn như một địa điểm phù hợp do ở đây có cảng nước sâu tự nhiên, đồng thời đây cũng là khu vực dễ dàng tiếp cận với thị trường toàn cầu hơn.

Từ năm 1969, Singapore đã ban hành Đạo luật về khu tự do thương mại, trong đó cho phép các doanh nghiệp hoạt động trong KKT Jurong được hưởng những chính sách như: (i) Tự do đầu tư trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, trừ lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng và an toàn xã hội; (ii) Miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu hoặc hàng tạm nhập tái xuất; (iii) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 5 năm, sau đó thỏa thuận thuế doanh nghiệp 10% trong 5 năm; (iv) Người nước ngoài được mua nhà gắn liền với đất ở trong khu vực được quy hoạch với thời hạn 99 năm; và (v) Một số lĩnh vực được ưu tiên còn có thể được hưởng trợ cấp đầu tư lên tới 50% (JTC, 2017). Singapore cũng thực hiện những chương trình ưu đãi phù hợp theo mức cam kết của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh tại KKT này. Các chương trình cung cấp các gói ưu đãi khác nhau tương xứng với quy mô và giá trị mà doanh nghiệp mang lại. Ngoài ra, các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại KKT sẽ được hưởng mức ưu đãi thuế 15% trong 3 năm đầu và có thể kéo dài tiếp 2 năm tùy thuộc vào hiệu quả nguồn thu mà doanh nghiệp này mang lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể thuê ngoài một số dịch vụ phụ trợ như: cung cấp tiện ích, xử lý nước thải, logistics, kho bãi. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí cố định từ 10 đến 15% (COMCEC, 2017:102).

- Cung cấp hệ thống tích hợp công nghiệp: KKT Jurong đã phát triển hệ thống tích hợp công nghiệp, cho phép tích hợp các ngành giữa các doanh nghiệp đến từ các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị. Cụ thể, hệ thống tích hợp công nghiệp cho phép các doanh nghiệp dễ dàng “mua” và “bán” nguyên liệu và các sản phẩm đầu vào, đặc biệt cho phép sản phẩm đầu ra ở nhà máy này cung cấp đầu vào cho nhà máy lân cận. Bên cạnh đó, cung cấp các thông tin về các nhà cung cấp dịch vụ để các doanh nghiệp dễ dàng lựa chọn thuê ngoài đối với các dịch vụ như: xử lý nước thải, khí thải cũng như cung cấp kho lưu trữ cần thiết cho quá trình sản xuất. Sự tích hợp của cả các dịch vụ công ích lẫn các chức năng logistics đã cho phép Jurong phát huy sức mạnh sản xuất tổng hợp, giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

- Áp dụng mô hình “plug and play” (vào và hoạt động ngay): Đây là mô hình trong đó tất cả các cơ sở hạ tầng, nhà xưởng đã được xây dựng và doanh nghiệp chỉ cần chuyển vào và có thể hoạt động ngay. KKT Jurong cung cấp: (i) Các nhà xưởng tiêu chuẩn được xây dựng sẵn, có kích thước từ 944 m² đến 4.200 m², cung cấp bố trí chức năng cho các nhu cầu khác nhau của khách hàng; (ii) Các nhà xưởng được thiết kế để tích hợp từ: tiếp thị, quản lý, sản xuất, lưu trữ và (iii) Các cơ sở công nghiệp khác, với đủ các khu vực sản xuất mở, khu vực xếp dỡ hàng hóa. Ngoài ra, KKT này đã được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại đáp ứng chuẩn mực thế giới, cho phép kết nối thuận tiện với các trung tâm thương mại toàn cầu, dựa trên cả đường thủy và đường hàng không. Do vậy, nhiều công ty vận tải biển và cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới đã chọn đặt trụ sở chính tại KKT Jurong.

- Chính phủ tích cực hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo: Chính phủ Singapore đã đặt trọng tâm vào nâng cao đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực ngoài khơi. Nước này đã thành lập các Viện nghiên cứu phát triển để nghiên cứu phát triển các ngành, lĩnh vực ngoài khơi chất lượng cao ở KKT Jurong. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã dành nguồn NSNN đủ lớn để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại KKT này.

- Tổ chức, quản lý KKT tinh gọn, hiệu quả: Ủy ban phát triển kinh tế Singapore (SEDB - cơ quan Trung ương) đã thành lập KKTVB Jurong, và cơ quan này sau đó đã thành lập công ty bán công lập Jurong Town (JTC) để quản lý và điều hành cảng biển Jurong và các khu chức năng trong KKT Jurong. JTC cũng được giao nhiệm vụ: (i) Chịu trách nhiệm trực tiếp phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư; và (ii) Quản lý doanh nghiệp hoạt động trong KKT. Mô hình JTC cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân vào đội ngũ quản lý của công ty cũng như thúc đẩy sự phối hợp giữa JTC và các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Do vậy các hạng mục đầu tư phát triển KKT về cơ sở hạ tầng, lao động, đất đai được triển khai hiệu quả và sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

3. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Ngày càng có nhiều mô hình KKTVB trên thế giới được thành lập với quy mô, mục đích, tích chất và thể chế khác nhau, tuy vậy, thực tế cho thấy không phải mọi KKT trên thế giới đều thành công. Nhiều nước cũng chứng kiến những mô hình thí điểm KKTVB không thành công và thậm chí ở ngay trong 1 quốc gia cũng chứng kiến một vài mô hình thí điểm KKTVB thành công bên cạnh rất nhiều mô hình KKTVB không thành công như Trung Quốc. Lý do của những thất bại hay thành công trong quá trình phát triển các KKTVB là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố rất quan trọng. Đó là:

- Đảm bảo các yếu tố thể chế đủ mạnh và ổn định: Thực tế cho thấy các KKTVB thất bại do quá trình hình thành và phát triển không dựa trên nền tảng thể chế đủ mạnh và có tính cạnh tranh cao (tính cạnh tranh cao không chỉ so với các mô hình KKT trong một quốc gia mà so với các nước trong khu vực và trên thế giới). Trong một số trường hợp, các KKTVB được thành lập nhưng không dựa trên một khuôn khổ pháp lý phù hợp và thậm chí không có chính sách áp dụng riêng cho các KKTVB. Do đó, các nhà đầu tư có nguy cơ cao đối mặt với rủi ro chính sách khi CQTW nhiệm kỳ mới không nhận ra tiềm năng của mô hình KKTVB hoặc không thừa nhận các cam kết của chính quyền nhiệm kỳ trước. Trong khi đó, sự thành công của một số KKTVB lại một phần nhờ sự nhanh nhạy và sự đồng lòng của các cấp chính quyền, đặc biệt là CQTW. Cụ thể, ở Trung Quốc, mặc dù Đạo luật về đặc khu KT Thâm Quyến lúc đầu được CQĐP soạn thảo nhưng sau đó đã được Quốc hội thống nhất thông qua nhằm đảm bảo có một sự cam kết, quyết tâm chính trị hỗ trợ lâu dài từ phía CQTW và tăng cường lòng tin đối với nhà đầu tư.

Như vậy, rất cần thể chế hóa đầy đủ việc thành lập KKTVB, trong đó đưa ra quy định cụ thể về: (i) Chiến lược chung về phát triển KKTVB trong 10-30 năm tới; (ii) Quyền lợi, nghĩa vụ của nhà đầu tư, của bộ máy chính quyền và người dân; và (iii) Có cơ chế phân cấp, tạo sự tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm ở mức cao nhất về các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về KKTVB. Quá trình thiết kế chính sách KKTVB cần lưu ý tới: (i) Đảm bảo tính ưu đãi mang tính vượt trội và cạnh tranh toàn cầu để đảm bảo thu hút các nhà đầu tư chiến lược; (ii) Đảm bảo tính nhất quán, ổn định, công khai, minh bạch; (iii) Đảm bảo triển khai chính sách một cách đồng bộ, từ chính sách về đất đai, nhà ở, tài chính, ngân hàng, tiền tệ, thuế/phí, di chuyển hàng hóa đến cư trú, đi lại, thuê mướn lao động, tiền lương, cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt; (iv) Chú trọng yếu tố bảo vệ môi trường; và (v) Đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quá trình thực thi chính sách.

- Được xây dựng ở vị trí thuận lợi, đảm bảo sự kết nối chặt chẽ với bên ngoài: Các KKTVB thành công đều: (i) Có hệ thống cảng biển nước sâu hiện đại, đồng bộ, (ii) Ở gần các trung tâm kinh tế, trung tâm chính trị lớn, năng động trong nước và trên thế giới, (iii) Ở gần các trường đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu lớn; và (iv) Có thể là nơi hoang sơ, có xuất phát điểm về điều kiện kinh tế - xã hội chưa cao nhưng hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi để xây dựng hạ tầng chiến lược và phát triển kinh tế hướng ngoại, độ mở cao.

- Lĩnh vực phát triển trong các KKTVB cần phù hợp với nhu cầu thị trường và có khả năng cạnh tranh cao: Việc lựa chọn ngành nghề một mặt cần đảm bảo phát huy tối đa lợi thế địa kinh tế, chính trị chiến lược, tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa - xã hội, lịch sử truyền thống, một mặt đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường và có khả năng cạnh tranh cao. Các ngành nghề trong từng KKTVB cần có sự chọn lọc kỹ càng, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế theo từng giai đoạn phát triển và không nên quá lệ thuộc vào một vài ngành sử dụng lao động rẻ trong thời gian dài.

- Nguồn nhân lực có chất lượng và hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại trong thời gian ngắn: Trong giai đoạn đầu thành lập KKTVB, CQTW đóng vai trò nòng cốt trong hỗ trợ phát triển hạ tầng trong và ngoài KKT. Ở một số quốc gia, các KKTVB khi mới bắt đầu thành lập đều là những khu vực nghèo nàn, hệ thống hạ tầng và nguồn nhân lực còn hạn chế. Tuy vậy, CQTW đã khắc phục vấn đề này bằng việc tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng cứng (giao thông, điện, nước, viễn thông…) và hạ tầng mềm (đào tạo, y tế, khoa học công nghệ…) một cách khẩn trương.

- Bộ máy quản lý nhà nước đối với hoạt động tại KKTVB tinh gọn và hiệu quả: Ở các quốc gia thực hiện thành công mô hình KKTVB đều xây dựng một bộ máy điều hành gọn nhẹ, linh hoạt, được điện tử hóa và giảm tầng nấc, không bị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Các thủ tục hành chính ở KKTVB được tinh giản hóa tối đa, theo cơ chế một cửa hiệu quả và đảm bảo tính công khai, minh bạch. Người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính công với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và được giải quyết theo hướng tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ. Điều này giúp cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp tận dụng cơ hội kinh doanh.

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt và hiệu quả giữa CQTW và CQĐP trong quản lý KKTVB: Sự phối hợp chặt chẽ giữa CQTW và CQĐP cũng như sự phân công rõ ràng vai trò, chức năng và nhiệm vụ của từng cấp chính quyền là rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển KKTVB. Ở nhiều nước, CQĐP đang được trao quyền tự chủ và nhiều trách nhiệm hơn nhằm tăng tính chủ động của địa phương trong phát triển kinh tế.

Thực tiễn cho thấy, phát triển các KKTVB đòi hỏi một mức độ tự chủ nhất định ở cấp địa phương, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp tại KKTVB. CQTW cần thể hiện tốt vai trò trong xác định chiến lược/quy hoạch tổng thể và đưa ra các mô hình thể chế đúng đắn áp dụng tại các KKTVB, trong khi đó cấp địa phương cần có chuyên môn, nghiệp vụ và quyền tự chủ nhất định để thử nghiệm những cải cách, cách quản lý mới, làm cho KKTVB hoạt động linh hoạt hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. COMCEC Coordination Office (2017). Special Economic Zones in the OIC Region: Learning from Experience. ISBN: 978-605-9041-96-6.
  2. Douglas Zhihua Zeng (2015). Global Experiences with Special Economic Zones:  Focus on China and Africa. World Bank Policy Research Working Paper 7240. Washington, DC.
  3. Gokhan Akinci and James Crittle (2008). “Economic Performance and Impacts” in World Bank (2008) “Special Economic Zones: Performance, Lessons Learned, and Implications for Zone Development”.
  4. JTC (2017). Policies for Industrialists.
  5. Lê Văn Sang và Nguyễn Minh Hằng (2009). Các đặc khu kinh tế của Trung Quốc những gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, 2(90).
  6. Nguyễn Đình Chúc và cộng sự (2018). Nghiên cứu luận cứ khoa học và đề xuất hệ giải pháp đột phá nhằm hiện thực hóa đặc khu kinh tế Phú Quốc. Chương trình Tây Nam Bộ, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. TNB.ĐT/14-19/X08.
  7. Yue-man Yeung, Joanna Lee, and Gordon Kee (2009). China’s Special Economic Zones at 30. Eurasian Geography and Economics, 50 (2), page 222–240.
 

 

(Nguồn:Tạp chí quy hoạch xây dựng (số 111))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website