TOD – giải pháp cho đô thị nén hay cơ hội tái thiết đô thị

TOD – giải pháp cho đô thị nén hay cơ hội tái thiết đô thị

TOD – SOLUTIONS FOR COMPACT CITY OR OPPORTUNITY FOR URBAN RECONSTRUCTION

ThS. Phan Anh Tuấn

Trung tâm Khảo sát, Quy hoạch xây dựng - VIUP

 

Tóm tắt

            Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu về không gian sống, làm việc và giải trí trong đô thị ngày càng tăng cao. Điều này đòi hỏi một quy hoạch đô thị thông minh, trong đó phải cân nhắc kỹ lưỡng việc sử dụng không gian đô thị một cách hiệu quả nhất. Mô hình TOD đáp ứng nhu cầu này bằng cách tạo ra các khu đô thị dựa trên nguyên tắc giao thông công cộng, khuyến khích cư dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi bộ và đi xe đạp thay vì phụ thuộc vào xe hơi cá nhân. Điều này giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông, giảm ô nhiễm không khí và tạo ra một môi trường sống trong lành hơn cho cư dân.

Ngoài ra, TOD cũng thúc đẩy việc phát triển các khu vực đa chức năng, nơi mọi người có thể sống, làm việc, mua sắm và giải trí trong cùng một khu vực. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển mà còn góp phần tạo ra cộng đồng đô thị chặt chẽ và đa dạng văn hóa. Bằng cách tập trung vào việc phát triển các khu đô thị dựa trên hệ thống giao thông công cộng, TOD cung cấp một giải pháp cho việc quản lý không gian đô thị hiệu quả, hạn chế sự lan rộng không kiểm soát của đô thị và bảo vệ các khu vực xanh, không gian mở.

Tuy nhiên, mô hình TOD có phải là giải pháp hoàn hảo và có thể áp dụng một cách linh hoạt cho tất cả các đô thị?

Từ khóa: Quy hoạch đô thị, đô thị nén, giao thông công cộng, tái thiết đô thị, TOD.

Abstract.

In the context of rapid urbanization, the demand for living, working and entertainment space in urban areas is increasing. This requires smart urban planning, which must carefully consider the most effective use of urban space. The TOD model meets this need by creating urban areas based on public transportation principles, encouraging residents to use public transportation, walk and bike instead of relying on cars. a bit personal. This helps minimize traffic congestion, reduce air pollution and create a healthier living environment for residents.

In addition, TOD also promotes the development of multi-functional areas, where people can live, work, shop and entertain in the same area. This not only saves travel time but also contributes to creating a tight-knit and culturally diverse urban community. By focusing on the development of urban areas based on public transportation systems, TOD provides a solution for effective urban space management, limiting the uncontrolled urban sprawl and Protect green areas and open spaces.

However, is the TOD model a perfect solution and can it be applied flexibly to all urban areas?

Keywords: Urban planning, compact city, public transportation, urban reconstruction, TOD.

1. Các khái niệm, thuật ngữ

- Quy hoạch: là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định. [1]

- Đô thị: là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn. [2]

- Quy hoạch đô thị: là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị. [2]

- TOD (Transit-Oriented Development): là khái niệm trong quy hoạch đô thị và phát triển bền vững, nhấn mạnh việc tạo ra các khu vực đô thị có mật độ cao, đa dạng chức năng, và dễ dàng tiếp cận với giao thông công cộng. [3]

- Giao thông công cộng (public transport): còn gọi là vận tải công cộng, bao gồm các phương tiện vận tải được sử dụng để di chuyển người dân trong một khu vực hoặc thành phố một cách hiệu quả và bền vững. [5]

- Khu hỗn hợp chức năng (mix-use): là một khái niệm trong quy hoạch đô thị, đề cập đến việc kết hợp các loại sử dụng đất khác nhau trong cùng một khu vực hoặc trong cùng một tòa nhà.

- Đô thị nén (compact city): là một khái niệm chỉ sự phát triển đô thị ở mật độ cao, thường kết hợp chặt chẽ giữa không gian sống, làm việc, và giải trí trong một khu vực hạn chế. 

- Tái thiết đô thị (urban reconstruction): Là hoạt động đầu tư, xây dựng phát triển đô thị mới trên nền các công trình cũ đã được phá bỏ hoặc không còn hiệu quả sử dụng của đô thị hiện hữu với quy mô đa dạng.

2. Tổng quan về TOD (Transit-Oriented Development)

2.1. Khái niệm về TOD

            Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc tìm kiếm một mô hình quy hoạch và phát triển đô thị không chỉ hiệu quả về mặt giao thông mà còn bền vững với môi trường và thúc đẩy chất lượng sống là vấn đề thiết yếu. TOD (Transit-Oriented Development) chính là một mô hình chiến lược phát triển đô thị với nhân tố chính là hệ thống giao thông công cộng của đô thị. Mô hình này xây dựng vệ tinh là các không gian hỗn hợp đa chức năng như không gian sống, không gian làm việc, không gian vui chơi, giải trí tập trung với mật độ cao. Và các khu vực vệ tinh được kết nối với nhau chủ yếu bằng hệ thống giao thông công cộng.

            Đối với một đô thị mới, thành phố mới, mô hình TOD là một giải pháp quy hoạch, chiến lược phát triển điển hình và là nền móng để phát triển cấu trúc đô thị bền vững từ ban đầu. Việc hình thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh là yếu tố quan trọng để quyết định sự phát triển của một đô thị. Với các lợi thế và nguồn “tài nguyên” sẵn có là cơ hội để các đô thị mới áp dụng mô hình TOD.

            Đối với các thành phố đã phát triển và hạ tầng có nguy cơ “quá tải” thì mô thì TOD được đánh giá là một giải pháp tái thiết đô thị dựa trên nguyên lý tối đa hóa giao thông công cộng và giảm thiểu tác động đến môi trường. TOD mang đến cho các thành phố một lựa chọn nhằm giảm tải áp lực với hệ thống hạ tầng và thân thiện với môi trường.

2.2. Sự xuất hiện của mô hình TOD

Sau năm 1950, thế giới chứng kiến một cuộc cách mạng công nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải, khi số lượng phương tiện cá nhân tăng lên nhanh chóng, đến mức mật độ xe cộ bắt đầu vượt quá khả năng chịu đựng của hệ thống hạ tầng đô thị hiện có. Sự bùng nổ này không chỉ gây ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng mà còn tạo ra áp lực không nhỏ lên môi trường sống, với các vấn đề như ô nhiễm không khí và tiếng ồn ngày càng trở nên cấp bách. Trong bối cảnh đó, việc tìm kiếm một giải pháp bền vững cho vấn đề giao thông và quy hoạch đô thị trở nên cấp thiết, dẫn đến sự ra đời và phát triển của mô hình Transit-Oriented Development (TOD). Sự xuất hiện của mô hình TOD có thể được xem là một phản ứng tự nhiên đối với những thách thức mà quá trình đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển không kiểm soát của các đô thị mang lại

TOD được phát triển với mục tiêu chính là giảm bớt sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân bằng cách tập trung vào việc phát triển và cải thiện hệ thống giao thông công cộng. Bằng cách xây dựng các khu vực đô thị xung quanh các trạm giao thông công cộng như ga tàu điện, trạm xe buýt, TOD không chỉ khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng mà còn góp phần giảm áp lực lên hạ tầng đô thị và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Mô hình này khuyến khích sự phát triển của các khu vực đa chức năng, nơi mọi người có thể sống, làm việc và giải trí mà không cần di chuyển xa. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải CO2 do giảm lượng xe cộ cá nhân di chuyển mà còn tạo ra một môi trường sống chất lượng cao hơn cho cư dân. Các khu vực TOD thường có các tiện ích công cộng như công viên, trung tâm mua sắm, trường học và cơ sở y tế, từ đó tạo điều kiện cho một lối sống thuận tiện và lành mạnh.

2.3. Sức ảnh hưởng của TOD

Với những lợi ích mà mô hình mang lại, một số nước đã áp dụng TOD rất thành công trong quá trình đô thị hóa, tái thiết đô thị chất lượng cao và đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược quy hoạch đô thị của nhiều quốc gia trên thế giới. Điển hình như:

- Curitiba, Brazil (1970) là đô thị áp dụng mô hình TOD với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng (bus BRT) trong định hướng phát triển đô thị. Quy mô áp dụng được thực hiện trên toàn thành phố và nó đã mang lại hiệu quả cao trong việc giảm khí thải, tăng chất lượng cuộc sống của người dân.

- Portland, Oregon, Mỹ (1990) với quan điểm phát triển đô thị dựa trên hệ thống tàu điện và tăng cường cơ sở hạ tầng đối với người đi bộ và xe đạp. Mô hình đã góp phần tăng tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

- Stockholm, Thụy Điển (1950) được xem là đô thị thành công nhất với mô hình TOD khi áp dụng tối đa các nguyên tắc của mô hình này. Phát triển đô thị bền vững xung quanh hệ thống giao thông công cộng, với sự tích hợp cao giữa nhà ở, thương mại và không gian xanh. Thành phố này đã trở thành một trong những khu vực sống bền vững hàng đầu thế giới, với việc giảm tiêu thụ năng lượng và nước, tăng tỷ lệ tái chế, và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Từ mô hình cơ bản với các nguyên tắc đầu tiên của TOD, các đô thị trên thế giới đã dần áp dụng linh hoạt và đa dạng mô hình này.

Bảng 1: Thống kê các dạng mô hình TOD phổ biến

TT       Mô hình TOD Đặc điểm         Thành phố áp dụng hiệu quả

1          TOD – Trung tâm đô thị         Tập trung phát triển xung quanh các trung tâm giao thông chính trong vùng lõi đô thị. Lấy hệ thống giao thông làm cấu trúc chính đô thị. - Stockholm, Thụy Điển - Phát triển thành công các khu dân cư và thương mại dày đặc xung quanh hệ thống Metro của thành phố.

- New York, Mỹ: Khu vực xung quanh Penn Station và Grand Central Terminal đã được phát triển thành các trung tâm đa chức năng, kết hợp giao thông, thương mại, và dịch vụ.

- Berlin, Đức: Alexanderplatz và Potsdamer Platz là những ví dụ về việc phát triển thành công các trung tâm đô thị dựa trên nguyên tắc TOD, tạo nên các điểm nút giao thông và trung tâm hoạt động sôi động.

 

2          TOD – Liên vùng        Áp dụng cho các khu vực ngoại ô, thường kết nối với trung tâm thành phố thông qua hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. - Portland, Oregon, Mỹ - Sử dụng hệ thống tàu điện nhẹ để kết nối các khu vực ngoại ô với trung tâm thành phố, thúc đẩy phát triển dựa trên TOD ở các khu vực này.

- Arlington, Virginia, Mỹ: Phát triển dọc theo Orange Line Metro, kết hợp các khu dân cư và thương mại với trạm Metro, đạt hiệu quả trong việc giảm sự phụ thuộc vào xe hơi và khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.

- Orestad, Copenhagen, Đan Mạch: Một khu vực phát triển mới ngoại ô, được kết nối chặt chẽ với trung tâm thành phố thông qua hệ thống tàu điện.

3          TOD – Đa điểm           Phát triển đa dạng xung quanh nhiều “nút” giao thông công cộng, tạo ra mạng lưới các điểm TOD kết nối với nhau. - Tokyo, Nhật Bản - Một mạng lưới phức tạp các trạm tàu điện ngầm và tàu điện nhẹ được tích hợp với các khu vực dân cư, thương mại và văn phòng.

- Seoul, Hàn Quốc: Với hệ thống Metro rộng khắp và các khu phức hợp xung quanh trạm, Seoul đã thành công trong việc áp dụng mô hình TOD để tạo ra môi trường sống đa dạng và tiện lợi.

- Singapore: Quốc đảo này tập trung phát triển các khu vực xung quanh trạm MRT, hỗ trợ việc di chuyển và sinh hoạt hàng ngày của cư dân.

4          TOD – Khu vực cửa ngõ        Tập trung vào phát triển các khu vực gần các cửa ngõ giao thông chính, như ga tàu hỏa lớn hoặc trạm trung chuyển quan trọng.        - Paris, Pháp - Phát triển thành công các khu vực xung quanh Gare de Lyon và các ga tàu điện ngầm chính khác, biến chúng thành các khu vực phức hợp đa chức năng.

- London, Anh: Khu vực xung quanh King's Cross và St Pancras International đã được tái phát triển thành một trung tâm đa chức năng, kết hợp giao thông, thương mại, và nhà ở.

- Zurich, Thụy Sĩ:  Zurich Hauptbahnhof (ga chính) và khu vực xung quanh đã trở thành một trung tâm đô thị sôi động, kết hợp nhiều chức năng khác nhau.

5          TOD – Vệ tinh Phát triển các khu vực TOD như là các "đô thị vệ tinh" nhỏ xung quanh một trung tâm đô thị lớn, thường được kết nối bằng giao thông công cộng tốc độ cao.       - Hong Kong, Trung Quốc: Phát triển các khu dân cư dày đặc và trung tâm thương mại xung quanh các ga MTR, tạo ra các "đô thị vệ tinh" hiệu quả về mặt giao thông và dịch vụ

- Freiburg, Đức: Khu vực Vauban là một "đô thị vệ tinh" được thiết kế xung quanh nguyên tắc bền vững và giao thông công cộng, với việc hạn chế tối đa việc sử dụng xe hơi cá nhân.

- Reston, Virginia, Mỹ: Là một trong những khu vực đầu tiên ở Mỹ được phát triển theo mô hình đô thị vệ tinh, nơi có các tiện ích và dịch vụ được tập trung gần các trạm Metro Silver Line.

6          TOD – hỗn hợp           Kết hợp nhiều chức năng trong một khu vực TOD, bao gồm nhà ở, văn phòng, thương mại, giáo dục và giải trí.         - Copenhagen, Đan Mạch: Phát triển thành công các khu vực hỗn hợp xung quanh các trạm Metro và điểm dừng xe buýt, tạo điề

- công nghiệp cũ thành khu đô thị hỗn hợp với mật độ cao, tập trung vào công nghệ và kiến trúc bền vững.

-  Vancouver, Canada: Khu vực False Creek, trước kia là khu công nghiệp, nay đã trở thành một khu vực hỗn hợp sầm uất, tập trung vào việc tạo ra một môi trường sống chất lượng với quy hoạch TOD.

Theo đó, đa số các thành phố áp dụng mô hình TOD đều có chung một bối cảnh về nhu cầu tái thiết đô thị, việc áp dụng các nguyên tắc của mô hình khi đô thị không còn đủ khả năng tự vận hành và cần có sự thay đổi. Một hình ảnh rõ nét về sức ảnh hưởng mà TOD đang tạo ra đối với đô thị hóa toàn cầu.

2.4. Nguyên tắc của mô hình TOD

             

Cơ cấu cơ bản của TOD         Cơ cấu điển hình một điểm “nút”

Hạt nhân của mô hình: Mạng lưới giao thông công cộng

Trong mô hình Transit-Oriented Development (TOD), hạt nhân chính là mạng lưới giao thông công cộng, bao gồm các trạm metro, ga tàu, trạm xe buýt nhanh (BRT), và các điểm kết nối giao thông khác. Đây là cốt lõi của TOD, nơi tất cả các phương tiện giao thông công cộng được tích hợp và kết nối một cách mạch lạc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển nhanh chóng và hiệu quả trong thành phố mà không phụ thuộc vào xe hơi cá nhân. Mục tiêu của việc tập trung phát triển hạt nhân giao thông công cộng là để giảm tắc nghẽn, giảm phát thải khí nhà kính, và khuyến khích một lối sống bền vững hơn. Phát triển mạng lưới giao thông công cộng mạnh mẽ và đáng tin cậy là bước đầu tiên quan trọng trong việc triển khai thành công mô hình TOD, vì nó là yếu tố quyết định thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng thay vì xe cá nhân.

Điểm nút - vệ tinh: Khu vực hỗn hợp tại các trạm giao thông công cộng

Điểm nút - vệ tinh trong mô hình TOD là các khu vực hỗn hợp được phát triển xung quanh các trạm giao thông công cộng. Các khu vực này bao gồm một sự kết hợp đa dạng của nhà ở, văn phòng, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ, và không gian công cộng. Mục đích là tạo ra một môi trường sống đô thị nơi cư dân có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ cần thiết và giao thông công cộng mà không cần phụ thuộc vào xe cá nhân. Phát triển các điểm nút vệ tinh như vậy không chỉ giảm áp lực giao thông và ô nhiễm không khí mà còn góp phần tăng cường cộng đồng đô thị, tạo ra môi trường sống, làm việc và giải trí tích hợp và thuận tiện. Các khu vực hỗn hợp này thúc đẩy một lối sống đô thị đa dạng, năng động và bền vững, tăng cường chất lượng cuộc sống cho cư dân.

Hành lang giao thông phụ trợ (xe đạp, đi bộ)

Hành lang giao thông phụ trợ trong TOD bao gồm các cơ sở hạ tầng được thiết kế đặc biệt cho người đi bộ và xe đạp, nối các điểm nút vệ tinh với hạt nhân trung tâm và với nhau. Đường đi bộ và làn xe đạp rộng rãi, an toàn và thoải mái khuyến khích việc di chuyển không sử dụng xe cơ giới trong khu vực TOD. Việc tăng cường hành lang giao thông phụ trợ giúp giảm sự phụ thuộc vào xe hơi, giảm ùn tắc và tăng cường sức khỏe cộng đồng qua việc khuyến khích lối sống năng động. Ngoài ra, các đường đi bộ và xe đạp cũng tạo điều kiện cho việc tương tác xã hội và tăng cường cảm giác thuộc về cộng đồng. Việc thiết kế cẩn thận hành lang giao thông phụ trợ là yếu tố quan trọng giúp tăng cường tính bền vững và chất lượng sống trong khu vực TOD.

3. Ưu điểm và hạn chế của mô hình TOD

3.1. Ưu điểm của TOD

Mô hình Transit-Oriented Development (TOD) được cấu trúc dựa trên việc tối ưu hóa việc sử dụng giao thông công cộng, hạn chế hoạt động của các phương tiện cá nhân, tạo ra một môi trường đô thị đa dạng, bền vững. Từ đó có thể nhận thấy các lợi ích mà mô hình TOD mạng lại cho một đô thị là rất tích cực. Cụ thể:

Cải thiện môi trường: Mô hình TOD đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách hạn chế sử dụng xe cá nhân và khuyến khích giao thông công cộng, đi bộ và đi xe đạp. Các tác động này không chỉ làm giảm lượng khí thải carbon dioxide - nguyên nhân chính của hiện tượng ấm lên toàn cầu và ô nhiễm không khí - mà còn giúp giảm tiêu thụ năng lượng. Hơn nữa, TOD thường bao gồm việc tích hợp không gian xanh và mở trong quy hoạch đô thị, từ đó tăng cường khả năng hấp thụ carbon và cung cấp môi trường sống trong lành cho cư dân. Việc bảo tồn không gian tự nhiên và đa dạng sinh học trong quá trình phát triển đô thị cũng được ưu tiên, góp phần vào việc duy trì sự cân bằng sinh thái và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tăng cường sức khỏe và chất lượng sống: TOD góp phần vào việc cải thiện sức khỏe và chất lượng sống cho cư dân đô thị thông qua việc tạo ra môi trường sống thuận tiện, an toàn và khuyến khích lối sống năng động. Việc dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích cũng như không gian công cộng như công viên và khu vui chơi giúp tăng cường sự tương tác xã hội và giảm cảm giác cô lập. Bên cạnh đó, việc khuyến khích đi bộ và đi xe đạp không chỉ giúp giảm stress mà còn tăng cường sức khỏe thể chất, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác. Mô hình TOD cũng thúc đẩy một môi trường sống an toàn hơn bằng cách giảm thiểu tai nạn giao thông và tạo ra không gian công cộng được giám sát và quản lý tốt.

Phát triển kinh tế bền vững: TOD không chỉ mang lại lợi ích về môi trường và sức khỏe mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững của đô thị. Việc tập trung phát triển kinh tế xung quanh các trạm giao thông công cộng tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và tạo ra việc làm, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển này cũng tạo ra một lượng lớn cơ hội đầu tư vào bất động sản, thương mại và dịch vụ, đồng thời tăng giá trị đất đai xung quanh các trạm giao thông công cộng. Bên cạnh đó, TOD còn giúp giảm chi phí vận tải và logistics cho doanh nghiệp bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng giao thông công cộng.

Tạo ra cộng đồng đô thị chặt chẽ - khép kín: TOD khuyến khích việc tạo ra các cộng đồng đô thị chặt chẽ thông qua việc phát triển các không gian sống, làm việc và giải trí tích hợp. Sự tích hợp này tạo điều kiện cho sự tương tác và giao lưu giữa cư dân, từ đó xây dựng một cộng đồng đa dạng và thân thiện. Việc thiết kế không gian công cộng như công viên và quảng trường cũng góp phần vào việc tăng cường sự gắn kết cộng đồng và cải thiện môi trường sống đô thị.

3.2. Hạn chế của mô hình

            Một trong những yếu tố quan trọng để dẫn đến thành công của mô hình TOD đó là sự đồng bộ và hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông công cộng, cũng như các điểm nút – khu hỗn hợp. Vì vậy, mặc dù TOD mang lại nhiều lợi ích cho đô thị nhưng việc triển khai mô hình này đối mặt với các thách thức khá lớn.

            Nguồn lực đầu tư: Triển khai mô hình TOD đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, không chỉ về mặt tài chính mà còn về thời gian và công sức. Việc xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông công cộng, cùng với sự phát triển các khu vực sống, làm việc và giải trí xung quanh các trạm giao thông, cần một khoản đầu tư đáng kể. Điều này không chỉ bao gồm chi phí xây dựng trực tiếp như đường sắt, đường bộ, trạm giao thông và cơ sở hạ tầng phụ trợ, mà còn chi phí gián tiếp như quy hoạch, thiết kế, và quản lý dự án. Đối với các thành phố có hạn chế về nguồn lực tài chính, việc huy động vốn cho các dự án TOD có thể trở thành một thách thức lớn, đồng thời tạo áp lực tài chính cho chính quyền địa phương và cộng đồng.

            Thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân: Một trong những mục tiêu chính của TOD là giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và khuyến khích sử dụng giao thông công cộng. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen di chuyển đã ăn sâu vào lối sống của nhiều người có thể rất khó khăn. Việc từ bỏ xe cá nhân để chuyển sang giao thông công cộng đòi hỏi sự thay đổi lớn trong quan điểm và hành vi của người dân, từ cách họ quản lý thời gian hàng ngày đến cách họ giá trị hóa sự tiện lợi và độc lập. Thách thức này đòi hỏi các chiến lược giao tiếp và giáo dục mạnh mẽ, cùng với việc cung cấp một hệ thống giao thông công cộng đáng tin cậy, an toàn, và thuận tiện.

Các yếu tố địa phương: Việc áp dụng thành công mô hình TOD phụ thuộc nhiều vào bối cảnh địa phương, bao gồm văn hóa, khí hậu và điều kiện kinh tế. Văn hóa đô thị cụ thể có thể ảnh hưởng đến việc cư dân chấp nhận và thích nghi với việc sử dụng giao thông công cộng. Khí hậu cũng là một yếu tố quan trọng, với các điều kiện thời tiết cực đoan có thể hạn chế việc đi bộ và đi xe đạp. Ngoài ra, trình độ phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng hiện có của một đô thị cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng triển khai và hiệu quả của TOD. Việc tùy chỉnh mô hình TOD để phù hợp với các yếu tố địa phương này là cần thiết nhưng cũng là một thách thức.

Rủi ro về bất bình ổn giá trị bất động sản: Một hạn chế quan trọng của TOD là rủi ro về gentrification, khi giá đất và nhà ở xung quanh các trạm giao thông công cộng tăng vọt, đẩy các cư dân có thu nhập thấp ra khỏi khu vực. Gentrification có thể dẫn đến sự mất mát đa dạng văn hóa và kinh tế trong cộng đồng, làm suy yếu tính bền vững xã hội của các khu vực đô thị. Việc giảm thiểu tác động của gentrification đòi hỏi các chính sách và giải pháp cụ thể, như việc cung cấp nhà ở giá cả phải chăng và bảo vệ quyền lợi của cư dân hiện hữu, nhưng việc thực hiện những chính sách này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

4. TOD trong bối cảnh đô thị hóa của Việt Nam

4.1. TOD đối với thủ đô Hà Nội – Giải pháp cho đô thị nén

Hà Nội đã bắt đầu nhận thức và quan tâm đến việc áp dụng mô hình TOD như một phần của nỗ lực nhằm phát triển đô thị bền vững và giảm tắc nghẽn giao thông. Mô hình TOD tại Hà Nội tập trung vào việc phát triển hạ tầng giao thông công cộng và kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị với giao thông công cộng, đặc biệt là qua dự án metro và BRT (Bus Rapid Transit). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện áp dụng, thành phố Hà Nội đã thể hiện rõ những bất cập và hạn chế của mô hình này đối với thủ đô.

Khi Hà Nội bắt đầu triển khai hệ thống BRT, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển mình lớn trong hệ thống giao thông công cộng của thành phố, giúp giảm tắc nghẽn và ô nhiễm không khí. Dự kiến phát triển với 8 tuyến chính, hệ thống BRT được kỳ vọng sẽ kết nối các khu vực trọng điểm của thành phố, tạo ra một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả và thuận tiện. Tuy nhiên, quá trình phát triển và hoàn thiện mô hình này đã gặp phải nhiều thách thức và yếu tố cản trở.

Một trong những thách thức lớn nhất là việc dành không gian riêng cho BRT trên các tuyến đường đã có mật độ giao thông cao, đặc biệt là tại một đô thị đông đúc như Hà Nội. Việc này đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn trong quy hoạch giao thông và thói quen di chuyển của người dân, từ đó gây ra phản ứng trái chiều từ cộng đồng. Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong quá trình thi công và tăng chi phí cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của dự án. Các vấn đề về ngân sách và quản lý dự án đã gây ra sự chậm trễ, trong khi sự hiểu biết và hỗ trợ từ cộng đồng chưa đủ mạnh mẽ để đảm bảo dự án được tiếp nhận tích cực.

Thêm vào đó, việc thiếu liên kết chặt chẽ giữa BRT với các phương thức giao thông công cộng khác cũng hạn chế khả năng của hệ thống này trong việc phục vụ nhu cầu di chuyển đa dạng của người dân. Để TOD thực sự phát huy hiệu quả, sự tích hợp giữa BRT và các hình thức giao thông khác như metro, xe buýt thông thường và hạ tầng đi bộ, xe đạp cần được cải thiện.

Tuy nhiên, đối với hệ thống đường sắt đô thị, Hà Nội đang dần thay đổi theo chiều hướng tích cực.

4.2. TOD đối với TP.HCM

            Trong những năm vừa qua, TP.HCM cũng đã nghiên cứu và lên chiến lược phát triển đô thị dựa trên mô hình TOD. Tuy nhiên, tương tự như Hà Nội, TP.HCM sẽ phải đối mặt với các thách thức rất lớn nếu muốn mô hình TOD đạt hiệu quả.

            Đồng bộ hóa hệ thống giao thông công cộng là một thách thức quan trọng mà TP. HCM cần giải quyết khi áp dụng mô hình TOD. Điều này đòi hỏi sự liên kết mạch lạc giữa các phương tiện như xe buýt, metro, và tuyến BRT để tạo thành một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả, thuận tiện cho người dân di chuyển trong thành phố mà không cần dựa vào xe cá nhân. Sự không đồng bộ có thể làm giảm hiệu quả của hệ thống giao thông công cộng, gây khó khăn cho việc di chuyển và hạn chế sự chấp nhận của cộng đồng đối với giao thông công cộng.

Phát triển mô hình TOD đòi hỏi một nguồn lực đầu tư đáng kể, không chỉ cho việc xây dựng hạ tầng giao thông công cộng mà còn cho việc phát triển đô thị xung quanh các "nút" giao thông. TP.HCM cần tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Việc cân đối nguồn lực tài chính để đảm bảo sự phát triển bền vững của các dự án TOD là một thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động.

Áp dụng mô hình TOD đòi hỏi TP.HCM phải thực hiện những thay đổi đáng kể trong cấu trúc đô thị hiện tại. Điều này bao gồm việc quy hoạch lại các khu vực xung quanh các trạm giao thông công cộng để phát triển nhà ở, văn phòng, và các dịch vụ thương mại, cũng như cải thiện không gian công cộng và hạ tầng đi bộ, xe đạp. Việc tái cấu trúc này cần được thực hiện một cách cẩn thận để đảm bảo tính khả thi và giảm thiểu tác động đến cuộc sống của cư dân hiện tại. Đồng thời, thành phố cũng cần phải đối mặt với thách thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa và lịch sử trong quá trình phát triển mới.

Lựa chọn chính xác các điểm "nút" giao thông để phát triển theo mô hình TOD là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của mô hình này tại TP.HCM. Điều này đòi hỏi sự phân tích kỹ lưỡng về mật độ dân cư, nhu cầu di chuyển, và khả năng phát triển đô thị tại mỗi vị trí. Việc hỗn hợp chức năng đúng cách tại các "nút" này, bao gồm việc tích hợp nhà ở, văn phòng, thương mại và không gian xanh, sẽ tạo ra những khu vực đô thị sôi động, thu hút người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức nằm ở việc cân nhắc giữa mục tiêu phát triển và bảo vệ lợi ích của cộng đồng, đồng thời đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững của đô thị.

5. Giải pháp áp dụng mô hình TOD hiệu quả

            Trước những hạn chế, khó khăn mà mô hình TOD đang gặp phải khi áp dụng đối với các đô thị nén, siêu đô thị thì cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả và phù hợp, đặc biệt đối với các đô thị lớn tại Việt Nam. Một số giải pháp có thể xét đến:

            Xây dựng chiến lược tổng thể và đồng bộ về quy hoạch: Đối với các siêu đô thị tại Việt Nam, việc xây dựng và thực thi một chiến lược tổng thể, đồng bộ về quy hoạch giao thông và phát triển đô thị là cực kỳ quan trọng. Chiến lược này cần được thiết kế dựa trên việc phân tích sâu rộng về nhu cầu di chuyển, mật độ dân cư, cũng như các yếu tố kinh tế - xã hội khác. Ngoài ra, việc đồng bộ các cấp quy hoạch ngành giao thông vận tải và quy hoạch đô thị là yếu tố bắt buộc để thực hiện và quản lý mô hình.

            Đánh giá chi tiết về đặc trưng của khu vực: Mỗi đô thị tại Việt Nam có bản sắc văn hóa, điều kiện khí hậu và hoàn cảnh kinh tế riêng biệt. Điều này đòi hỏi mô hình TOD phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Ví dụ, việc tăng cường cây xanh trong mạng lưới đường đi bộ và xe đạp không chỉ giải quyết vấn đề khí hậu nóng ẩm mà còn cải thiện chất lượng không khí và tạo lập môi trường sống thuận lợi cho cư dân. Sự điều chỉnh này cũng cần phải dựa trên việc tôn trọng và bảo tồn giá trị văn hóa địa phương, đảm bảo sự hài hòa và gắn kết cộng đồng. Giải pháp này có thể tác động lớn đến thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân.

            Tối đa hóa nguồn lực đầu tư: Tối ưu hóa nguồn lực đầu tư cho phát triển mô hình TOD yêu cầu một cách tiếp cận chiến lược, mục tiêu là tạo ra một hệ sinh thái đầu tư linh hoạt, bền vững và có khả năng thu hút nguồn lực từ nhiều kênh khác nhau. Điều này không chỉ bao gồm việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước một cách hiệu quả mà còn cần phải tạo điều kiện cho sự tham gia rộng rãi của doanh nghiệp tư nhân thông qua các cơ chế như đối tác công tư (PPP), giảm thuế, hoặc cung cấp ưu đãi tài chính cho các dự án phát triển đô thị bền vững. Ngoài ra, việc kết nối và hợp tác với các tổ chức quốc tế và nguồn tài trợ nước ngoài cũng có thể mở ra cơ hội đầu tư mới, cung cấp kinh nghiệm quý giá và hỗ trợ tài chính cho việc triển khai các dự án TOD. Sự hỗ trợ này không chỉ giới hạn ở tài chính mà còn bao gồm chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực, và hỗ trợ kỹ thuật, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dự án.

            Xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích và thay đổi thói quen của người dân: Điều này có thể bao gồm việc cung cấp ưu đãi về giá cho người sử dụng phương tiện công cộng hoặc sinh sống và làm việc tại các trạm giao thông công cộng. Xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng phương tiện công cộng và giảm phụ thuộc vào xe cá nhân. Các chính sách có thể áp dụng như giới hạn sử dụng xe cá nhân trong một số khu vực nội đô, áp dụng thuế cao với việc sử dụng xe hơi, hay cung cấp lựa chọn đậu xe tiện lợi tại các trạm giao thông công cộng có thể khuyến khích người dân chuyển sang giao thông công cộng.

Quản lý và sử dụng hiệu quả, có tầm nhìn đối với nguồn tài nguyên đất: Cần phải có một kế hoạch chiến lược dài hạn cho việc sử dụng đất, với cơ sở dự báo về nhu cầu phát triển đô thị trong tương lai. Đảm bảo mọi quyết định sử dụng đất đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tối ưu hóa giá trị cho cộng đồng và thúc đẩy sự hài hòa giữa môi trường tự nhiên và nhu cầu sống của con người. Từ đó xác định được các nhu cầu và chức năng cần thiết cần xây dựng và phát triển tại mỗi trạm giao thông công cộng.

6. Kết luận

Mô hình Transit-Oriented Development (TOD) đã thể hiện là một giải pháp hiệu quả cho các thách thức của đô thị nén và mở ra cơ hội tái thiết đô thị theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả mô hình này đòi hỏi một quy hoạch tổng thể, linh hoạt và bền vững, đánh giá tổng thế các yếu tố có liên quan và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. TOD hứa hẹn sẽ trở thành xu thế trong quá trình đô thị hóa.

Tài liệu tham khảo

1.         Quốc hội, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017

2.         Quốc hội, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/06/2009

3.         Hank Dittmar & Gloria Ohland, The New Transit Town: Best Practices In Transit-Oriented Development, 2004

4.         John L. Renne & Carey Curtis, Transit-Oriented Development: Making it Happen, 2009

5.         Hitoshi Ieda, Sustainable Urban Transport in an Asian Context, 2010

(Nguồn:Tạp chí Quy hoạch xây dựng số (127+128))
Tin cũ hơn

Tạp chí QHXD

Ebook

Giới thiệu sách

Liên kết website